Tâm lý hưng phấn ngay từ đầu phiên
Tạm kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 1.167,40 điểm, tăng 73,01 điểm (6,67%) so với phiên trước. Chỉ số VN30 cũng ghi nhận mức tăng 80,61 điểm (6,90%) đạt 1.249,29 điểm, cho thấy sự phục hồi ấn tượng của các cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và xuất khẩu.
Sắc tím bao phủ sàn giao dịch sau thông tin tạm hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump. Ảnh chụp màn hình
Theo đó, sắc xanh và sắc tím (tăng trần) phủ khắp bảng điện tử, đặc biệt trong nhóm cổ phiếu VN30. Có đến 289 mã cổ phiếu tăng trần và chỉ duy nhất 1 mã giảm điểm trong suốt phiên sáng. Với đà tăng hưng phấn, thanh khoản trên các sàn giao dịch cũng sôi động trong phiên sáng nay.
Cụ thể, VN-Index có thanh khoản đạt 278.998 tỷ đồng; HNX-Index ghi nhận thanh khoản là 45.921 tỷ đồng. Tổng thanh khoản từ cả ba sàn HoSE, HNX, UPCoM là 324.919 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thanh khoản cho thấy, dòng tiền lớn đổ vào thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.
Các nhóm cổ phiếu nổi bật trong phiên giao dịch sáng nay gồm: ACB với mức tăng 6,88%, đạt mức giá 23.300 đồng, khối lượng giao dịch đạt 82.700 cổ phiếu. BCM đạt 60.600 đồng, tăng 6,87% so với giá tham chiếu. BID tăng 6,93%, đạt mức 34.650 đồng, khối lượng giao dịch đạt 521.500 cổ phiếu. FPT đạt mức giá 112.600 đồng, tăng mạnh 6,93%. GVR tăng 6,89%, đạt mức 25.600 đồng, thu hút dòng tiền mạnh với hơn 2.400 cổ phiếu được giao dịch tại mức giá này.
Không chỉ có các mã cổ phiếu lớn, các mã trong nhóm ngành thép và xuất khẩu cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong phiên sáng nay, phản ánh sự hưng phấn từ các thông tin tích cực. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính - chứng khoán, thông báo tạm hoãn thuế quan 90 ngày của Tổng thống Trump đã giúp xoa dịu tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Trước đó, thị trường chứng khoán đã chịu áp lực giảm mạnh do lo ngại về chính sách thuế quan nghiêm ngặt từ Hoa Kỳ. Việc hoãn thuế đã giúp các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm và nhanh chóng quay trở lại với các chiến lược bắt đáy.
10 cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất thị trường trong phiên sáng ngày 10/4. Ảnh chụp màn hình
Nhận định từ các công ty chứng khoán như SSI, VNDIRECT và Yuanta Việt Nam, việc hoãn thuế của ông Trump là một tín hiệu tích cực giúp thị trường ổn định hơn. Dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn khi hết thời gian 90 ngày. Sự phục hồi hiện tại vẫn chưa đủ để chứng minh một chu kỳ tăng trưởng bền vững, các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với những thay đổi chính sách từ Hoa Kỳ trong tương lai.
Các công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư giữ vững vị thế và tránh bán tháo trong giai đoạn này, khi tâm lý thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, đồng thời nên giữ vị thế và tận dụng những nhịp hồi phục kỹ thuật nhưng vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến thị trường.
Công ty chứng khoán như SSI cũng nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục duy trì dòng tiền vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là những cổ phiếu không bị tác động trực tiếp từ thuế quan, là chiến lược hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Cần có chính sách và giải pháp lâu dài
Trong khi đó, Maybank Investment Bank (MSVN) đề xuất các giải pháp chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với thuế suất từ Hoa Kỳ. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm các cơ hội từ các thị trường khác.
Một giải pháp quan trọng khác là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả thị trường trọng điểm và truyền thống, đồng thời phát triển thị trường ngách và các thị trường tiềm năng mới. Điều này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, mở ra cơ hội tăng trưởng từ các thị trường mới như EU, Trung Quốc và các khu vực khác.
Toàn sàn có hơn 650 mã tím kịch trần cho thấy tâm lí của các nhà đầu tư đã được xoa dịu. Ảnh chụp màn hình
Thứ ba, MSVN khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Cuối cùng, việc kiểm soát xuất xứ nguồn nguyên liệu cũng rất quan trọng. Do các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ trong các FTA và tránh rủi ro gian lận thương mại sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực từ thuế quan của Hoa Kỳ.
Trong báo cáo được phát hành ngày 9/4 của MSVN, các chuyên gia phân tích cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thuế quan của Hoa Kỳ có hiệu lực. Cụ thể, Chính phủ đã nới lỏng bội chi ngân sách lên mức 4 - 4,5% GDP trong năm 2025 nếu tình hình yêu cầu. Các biện pháp tài khóa hỗ trợ bao gồm việc giảm thuế VAT, cấp tín dụng ưu đãi cho khu vực sản xuất và gia hạn thời gian nộp thuế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2026 và mở rộng phạm vi áp dụng cho nhiều nhóm sản phẩm khác. Các giải pháp này nhằm tạo ra sự linh hoạt trong nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của thuế quan.
MSVN cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; đồng thời tiếp tục linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá, giữ vững ổn định cho nền kinh tế.
Mặc dù thuế quan của Hoa Kỳ đang gây ra nhiều khó khăn, nhưng theo MSVN, Việt Nam đã đưa ra một số nhượng bộ trong đàm phán để giảm thiểu tác động. Tuy nhiên, quá trình đàm phán được dự báo sẽ kéo dài và không dễ dàng. Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận giảm thuế nào cũng phải giúp xóa bỏ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Điều này tạo ra áp lực lớn trong việc tìm ra một thỏa thuận công bằng giữa hai bên.
Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo của MSVN là thuế quan từ Hoa Kỳ không làm giảm sức hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Mặc dù thuế quan có thể khiến các doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch đầu tư, nhưng FDI vào Việt Nam vẫn duy trì ổn định nhờ vào các yếu tố nền tảng như thị trường tiêu dùng lớn, lực lượng lao động giá rẻ và có tay nghề, cùng với một môi trường kinh doanh thuận lợi. Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở ra cơ hội đầu tư từ các quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ.