Vàng 'phi mã' sáng 8/1 vì 'cuộc chiến' Mỹ- Iran: Không nên quá nôn nóng đầu cơ, tích trữ

Việc Iran nã hàng chục tên lửa vào căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq đã khiến giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua, lên 1.605 USD/ounce, góp phần đẩy giá vàng trong nước sáng 8/1 có lúc chạm mốc 45 triệu đồng/lượng. Khá nhiều người băn khoăn có nên đầu cơ hoặc tích trữ vàng trong thời điểm này?

Chú thích ảnh
Khách tới mua bán vàng sáng 8/1. (Ảnh chụp lúc 10h15 cùng ngày)

Nếu như lúc 9 giờ sáng 8/1, giá vàng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 44,30 - 44,82 triệu đồng/lượng, tăng 650.000 đồng/lượng mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên chiều 7/1 thì đến trưa 8/1, giá vàng đã hạ nhiệt hơn. Vào lúc hơn 11 giờ ngày 8/1, giá vàng SJC giao dịch ở mức 44,10 - 44,40 triệu đồng/lượng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch sáng 8/1 ở mức 44,16 - 44,71 triệu đồng/lượng, tăng 480.000 đồng/lượng mua vào và tăng 530.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên chiều 7/1, đến trưa 8/1, giá vàng mua vào - bán ra ở mức 44,11 - 44,66 triệu đồng/lượng, giảm hơn so với đầu giờ sáng nay.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá vàng trong nước tăng do vàng thế giới “lên đỉnh” nhưng lượng giao dịch mua - bán vàng nhìn chung không quá biến động. Ở chiều bán ra, giao dịch có sôi động hơn do nhiều người đã mua vàng khi thời điểm giá tăng mạnh giữa năm 2019 (thời điểm cuộc chiến Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào) thì nay đem bán vàng để chốt lời.

Đơn cử, tại các chi nhánh kinh doanh vàng của Bảo Tín Minh Châu sáng 8/1, lượng khách mua vào và lượng khách bán ra có tỉ lệ là 53% (khách mua vào) và 47% (khách bán ra).

Một số chuyên gia tài chính nhận định: Trong ngắn hạn, giá vàng có thể tiếp tục tăng, nhưng trong trung hạn yếu tố kinh tế không hỗ trợ cho giá vàng tăng, nhất là khi thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ đã đến rất gần; khiến cho xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Iran sẽ được kiểm soát ở mức độ nhất định; nên giá vàng thế giới sẽ khó có thể tăng phi mã.

Theo chuyên gia tài chính - chứng khoán Phan Dũng Khánh, giá vàng dự báo còn tăng dù nhu cầu trong nước không cao. Nếu nhà đầu tư mua nắm giữ dài hạn thì có thể mua thời điểm này nhưng ngắn hạn, đầu cơ “lướt sóng” dễ sinh nhiều rủi ro.

Chú thích ảnh
Lác đác khách tới mua, bán vàng tại Phú Quý. (Ảnh chụp lúc 10h30 ngày 8/1)

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối môi giới khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết: “Tưởng chừng như giá vàng tạm "nghỉ ngơi", mở ra cơ hội cho các kênh đầu tư khác trong năm 2020 nhưng sự bất ổn ở Trung Đông đã khiến giá vàng “lên đỉnh” sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ của Mỹ ở Iraq. Giá vàng tiếp tục tăng thêm hơn 6% lên trên 1.600 USD/ounce - đây được xem là một trong số ít kênh đầu tư an toàn nhất khi có chiến tranh và khủng hoảng kinh tế xảy ra. Tuy nhiên một điều khó lường cho giới đầu tư là hai bên sẽ hành động tiếp như thế nào? Vì Mỹ đều có những hành động không báo trước, còn Iran là một trong những nước bí mật nhất thế giới hiện nay”.

Theo ông Lê Vương Hùng, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ có lợi bởi giá dầu thế giới đang tăng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia - TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Thị trường vàng thế giới chắc chắn sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, trong khi đó giá vàng trong nước và thế giới lại không liên thông.  

“Tôi có 3 lời khuyên dành cho nhà đầu tư khi mua vàng thời điểm này là cần thận trọng theo dõi sát giá vàng và tình hình chính trị thế giới theo từng ngày, từng giờ. Nên chia ngân quỹ tài chính để đầu tư cho nhiều kênh khác nhau như: Gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư bất động sản, chứng khoán, đặc biệt không nên “đổ hết tiền vào 1 giỏ” nhằm tránh thiệt hại khi giá vàng lao dốc. Tiền mua vàng phải là tiền tích trữ chứ không nên đi vay để mua vàng hoặc dồn hết vốn kinh doanh vào mua vàng vì nếu lỗ sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống”, chuyên gia - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư cũng nên dành một tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư vào vàng lúc này do căng thẳng giữa Mỹ và Iran không thể giải quyết ổn thỏa ngay, mà cần thời gian, cũng như cuộc chiến thượng mại Mỹ - Trung vừa qua, cũng mới tạm ổn.

Giá vàng đã bắt đầu tăng từ quý IV/2018 đến nay, sau nhiều năm liên tục giảm hoặc đi ngang. Năm 2019, giá vàng thế giới đã chốt ở mức 1.516 USD/ounce, tăng hơn 18% so với năm trước.

Đánh giá chung về chính sách điều hành thị trường vàng trong năm qua, ông Phan Dũng Khánh cho rằng: Từ chính sách gửi vàng vào ngân hàng không có lãi, gửi tiền USD với lãi suất 0%, chỉ còn 1 thương hiệu vàng quốc gia là SJC… của Việt Nam đã hạn chế việc đầu cơ, găm giữ vàng trong dân. Bằng chứng là nhiều thời điểm trong năm qua, giá vàng trong nước thấp hơn thế giới nhưng nhu cầu giao dịch trên thị trường rất ít, không tăng đột biến. Tỷ giá USD/VNĐ ổn định cùng với lãi suất USD là 0% khiến nhu cầu găm giữ USD từ người dân giảm, từ đó giảm cơ hội gom USD để nhập lậu vàng.

Bài và ảnh: M.Phương – H.Yên/Báo Tin tức
Bất ổn ở Trung Đông, giá vàng trong nước tăng sát mốc 45 triệu đồng/lượng
Bất ổn ở Trung Đông, giá vàng trong nước tăng sát mốc 45 triệu đồng/lượng

Thị trường vàng trong phiên sáng ngày 8/1 tiếp tục chứng kiến một phiên tăng mạnh ở cả trong nước và thế giới. Giá vàng trong nước tiến sát mốc 45 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN