Trong ngày giao dịch cuối tuần, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.014 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.214 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.812 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh được niêm yết tại BIDV ở mức 24.205 - 24.505 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh giảm 165 đồng ở chiều mua vào giảm 130 đồng ở chiều bán ra.
Trong khi đó, giá đồng USD được Vietcombank được niêm yết ở mức 24.170 - 24.540 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 130 đồng cả ở chiều mua vào và bán ra
Theo Công ty TNHH Chứng Khoán ACB, trong ngắn hạn, không có rủi ro nào đáng kể từ nội tại nền kinh tế trong nước (tỷ giá và thanh khoản đang đạt điểm cân bằng mới vì kỳ vọng tăng trưởng quý IV tốt hơn quý III), cũng như áp lực từ thị trường quốc tế, Fed duy trì lãi suất điều hành 2 tháng liên tiếp, quan điểm trung lập, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - hạ nhiệt, thương mại quốc tế có dấu hiệu thoát đáy.
Đồng USD đêm 8/11 (giờ Việt Nam) trên thị trường Mỹ tăng vào đầu phiên nhưng quay đầu giảm nhanh sau đó. Chỉ số DXY dao động trong khoảng 105-106 điểm. Đây là một yếu tố tích cực đối với tỷ giá của các nước. Trước đó, giới đầu tư lo ngại chỉ số DXY có thể lên 110 điểm.
Bên cạnh đó, lợi tức trái trái phiếu chính phủ khu vực châu Á cũng giảm mạnh, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá. Lợi tức trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 3,2%/năm hồi gần cuối tháng 10 xuống còn dưới 2,8%/năm.
So với đầu tháng 11, giá USD đã giảm 280 đồng, tương ứng mức giảm 1,1%. Trong những ngày gần đây, giá đồng bạc xanh liên tục đi xuống, trái ngược hoàn toàn với diễn biến năm ngoái, tăng ở mức cao. Giá USD hiện nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 400 đồng, tương ứng khoảng 1,6%.
Cùng với đó, trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tạm ngưng hút tiền trên thị trường mở. Việc hút tiền từ nhà điều hành được đánh giá nhằm tránh lượng tiền rẻ trên thị trường đầu cơ vào ngoại tệ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm sức ép lên tỷ giá vẫn còn.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.