Trong phiên đầu tuần 11/3, giá dầu tăng hơn 1%, sau bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih rằng các nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới nhiều khả năng sẽ chưa chấm dứt việc cắt giảm nguồn cung trước tháng Sáu.
Theo người đứng đầu Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hiện còn quá sớm để thay đổi thỏa thuận kiềm chế sản lượng đạt được giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, trước cuộc họp của các nước này dự kiến vào tháng 6/2019.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 12/3 sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hạ thấp dự báo về sản lượng dầu thô của Mỹ trong hai năm 2019 và 2020. EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 12,3 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 13 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trong đó hầu hết mức tăng sản lượng đến từ khu vực Permian thuộc Texas và New Mexico. EIA cũng ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 11,9 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2019, giảm nhẹ so với tháng 1/2019.
Tới phiên giao dịch ngày 13/3, giá dầu nối tiếp đà tăng trong bối cảnh lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm trong tuần trước, làm dịu bớt những lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường. Theo EIA, dự trữ dầu thương mại ở Mỹ trong tuần trước giảm khoảng 3,9 triệu thùng so với tuần trước đó, xuống 449,1 triệu thùng.
Sang phiên 14/3, giá dầu biến động trái chiều khi OPEC trong báo cáo tháng Ba đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 và nhận định tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC năm nay mạnh. OPEC cho biết trong năm 2019, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 1,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức ước tính 1,43 triệu thùng/ngày năm 2018.
Dự báo tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC năm nay được điều chỉnh tăng 0,06 triệu thùng/ngày, lên 2,24 triệu thùng/ngày. Theo OPEC, Mỹ, Brazil, Nga, Anh và Australia là những nước có đóng góp chính trong tăng trưởng nguồn cung.
Trong phiên cuối tuần (15/3), giá dầu quay đầu giảm sau khi vọt lên mức cao nhất trong năm nay, giữa những lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và sự gia tăng sản lượng dầu thô tại Mỹ. Chốt phiên này, giá dầu WTI giảm 9 xu xuống 58,52 USD/thùng, sau khi vọt lên 58,95 USD/thùng, mức đỉnh của năm nay. Giá dầu Brent cũng giảm 7 xu xuống 67,16 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất trong năm nay (68,14 USD/thùng) trong phiên trước.
Nhà phân tích Phil Flynn, thuộc Price Futures, tại Chicago (Mỹ) nhận định thị trường đang tạm dừng để cố gắng “tiêu hóa” những báo cáo trái chiều về tình hình cung cầu và chờ đợi cuộc họp sắp tới của các nhà sản xuất dầu mỏ. Đại diện các nước sản xuất trong và ngoài OPEC sẽ nhóm họp trong hai ngày 17 - 18/4 và tiếp tục một cuộc họp khác vào các ngày 25 - 26/6 để thảo luận về chính sách sản lượng và vấn đề nguồn cung.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ có thể "thặng dư khiêm tốn" trong quý I/2019, trước khi rơi vào tình trạng thiếu hụt trong quý II/2019. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo sự giảm tốc của các nền kinh tế châu Âu và châu Á có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen".
OPEC nhận định nhu cầu dầu mỏ được cho là sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng nguồn cung dự kiến ở ngoài OPEC, cho thấy tất cả các nước sản xuất vẫn cần tiếp tục chia sẻ trách nhiệm để tránh xảy ra tình trạng mất cân đối và hỗ trợ thị trường ổn định trong năm nay.