Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1.255,58 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị thanh khoản gần 31.224 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng đến 2.822,62 tỷ đồng, mua vào là 1.538,49 tỷ đồng.
Tốp 10 cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất là VHM, SSI, SHB, VND, KBC, VNM, VCI, AGR, VSC, DIG. Tuy nhiên, tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên giao dịch là: BID, CTG, GVR, VCB, MBB, TCB, HPG, FPT, MWG, GAS.
Trước đó, trong phiên sáng, TTCK giằng co quanh mức tham chiếu suốt nửa đầu phiên sáng và sau đó giảm nhẹ. Hầu hết, các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ vào cuối phiên sáng nay, kể cả ngành xây dựng và chứng khoán cũng bị ảnh hưởng mặc dù đã khởi sắc vào đầu phiên. Có những nhóm ngành vốn hóa lớn như bán lẻ, bán buôn và vật liệu xây dựng cũng giảm tiêu cực hơn.
Nguyên nhân có thể thông tin Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM, sau khi nhắc nhở việc hãng thép này chậm nộp báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2023 trong ngày 2/4. Theo HOSE, đây đã là lần chậm nộp thứ 3 của Pomina và do đó rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo điểm i khoản 1 điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Với những thông tin trên, trong phiên giao dịch sáng nay, mã cổ phiếu POM đã xuất hiện đà giảm mạnh và kết phiên sáng mức giảm hơn 3%. Ngoài ra, các mã cổ phiếu trong nhóm ngành thép cũng ghi nhận không mấy tích cực như HPG, HSG, NKG đều nhuộm sắc đỏ.
Cũng trong ngày hôm nay, nhiều công ty chứng khoán cũng đã kỳ vọng sau sự hồi phục phiên ngày 2/4, TTCK sẽ có sự khởi sắc hơn. Tuy nhiên, CTCK Asean nhận định, điều này chưa đủ để thị trường xác nhận vùng đáy. Do đó, việc giảm điểm trong phiên hôm nay đã tạo thêm một vùng nền giá mới trước khi bước vào sóng tăng mới.
Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường đang có sự phân hóa rõ rệt khi không có quá nhiều thay đổi lớn về mặt chỉ số nhưng dòng tiền vẫn đang luân chuyển tìm đến các nhóm ngành khác nhau qua từng phiên. Vì thế, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu đã có thời gian tích lũy dài, có tín hiệu vượt kháng cự và mới bắt đầu nhịp tăng điểm thuộc các nhóm ngành như cao su, bất động sản, dầu khí.
CTCK Beta (Beta) cũng nhận định, đang có dòng tiền bắt đáy liên tục gia tăng sau các nhịp điều chỉnh. Điều này cho thấy, dù thận trọng nhưng nhà đầu tư vẫn muốn tìm kiếm cơ hội sinh lời cho bản thân khi đầu tư vào thị trường. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, với kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục có sự luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại.
Beta khuyến nghị, nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mở vị thế mua với tỷ trọng hợp lý ở các nhóm cổ phiếu đang tích lũy và có triển vọng lợi nhuận quý 1 dự báo tích cực. Dù vậy, nhà đầu tư cần lưu ý theo dõi biến động tỷ giá trong thời gian tới cũng như động thái giao dịch của khối ngoại.
Đánh giá về TTCK trong tháng 4, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, TTCK đã có một chuỗi tăng rất tốt trong tháng 3 và hiện nay chỉ số VN-Index đang tiệm cận quanh mức 1.300 điểm.
Theo ông Minh, thị trường có thể đi lên trong tháng 4 nhưng mức độ không được như tháng trước, độ rộng thị trường cũng không còn như thời điểm tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, không có nhiều thông tin hỗ trợ hoặc rõ ràng, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào Đại hội đồng cổ đông để đánh giá kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024. Đây là thời điểm thị trường xảy ra sự phân hóa rõ nét, dòng tiền thường chọn giải pháp đứng ngoài quan sát nên xu hướng không được thuận lợi như tháng 3 và thanh khoản có thể sụt giảm so với tháng 3.
Ngoài ra, các rủi ro trong ngắn hạn khác như áp lực lạm phát có dấu hiệu nhích tăng nhẹ trở lại, tỷ giá đang neo ở mức cao, chỉ số USD (DXY) vẫn trong xu hướng tăng sẽ là yếu tố khiến cho thị trường gặp khó trong tháng 4.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thành Danh, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư SSI chi nhánh Nguyễn Công Trứ nhìn nhận, thị trường đã có một chuỗi tăng từ tháng 11/2023 cho đến nay. Do đó, khi chỉ số VN-Index lên đến vùng 1.300 điểm có thể xuất hiện rung lắc. Trung bình thị trường tăng 30 - 40%, có thể xuất hiện điều chỉnh mỗi lần từ 5 - 7%.
Một vấn đề khác liên quan đến tỷ giá là câu chuyện về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các ETF đã rút ròng ở khắp các khu vực thuộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, thời gian qua, dòng vốn ETF đang có sự dịch chuyển, rút ra khỏi các khu vực thuộc Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia.
Nguyên nhân đầu tiên do áp lực tỷ giá. Cụ thể, đồng USD tăng trở lại và Fed vẫn chưa có thời điểm rõ ràng trong việc giảm lãi suất. Trong khi đó, các thị trường khác như Mỹ hoặc châu Âu có mức tăng mạnh. Do đó, khi các ETF nhận thấy các thị trường khác tăng rất mạnh so với các thị trường khu vực Đông Nam Á (trừ chỉ số của Indonesia), tức các hiệu suất không bằng những thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, họ đã dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường đó. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác (như vàng, bitcoin) đang mạnh lên, cũng là lý do khiến dòng vốn không lựa chọn vào khu vực các thị trường tăng kém.
Theo Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284,09 điểm, VNAllshare đạt 1.312,81 điểm, VN30 đạt 1.296,90 điểm; tăng lần lượt 2,50%, 3,47% và 2,46% so với cuối tháng 2/2024 và tăng 13,64%, 13,71% và 14,62% so với cuối năm 2023.
Trong tháng 3, hầu hết các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, nổi bật nhất là các chỉ số thuộc ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 9,32%, ngành công nghệ thông tin (VNIT) tăng 7,20% và ngành công nghiệp (VNIND) tăng 6,04% so với tháng 2/2024.
Tương tự, thanh khoản thị trường cổ phiếu cũng tăng trưởng mạnh, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.495 tỷ đồng/ngày; tăng lần lượt 19,7% về khối lượng và 28,1% về giá trị bình quân so với tháng 2/2024.
Về giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), HOSE ghi nhận trong tháng 3/2024 khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 66,09 triệu CW/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt 61,89 tỷ đồng/ngày. Mặc dù khối lượng giảm 0,93% về khối lượng nhưng tăng 2,28% về giá trị bình quân so với tháng 2/2024.
Giao dịch chứng chỉ quỹ ETF trong tháng 3 đã có sự bứt phá so với tháng trước, cả về khối lượng và giá trị giao dịch, thể hiện tại khối lượng giao dịch bình quân đạt 8,19 triệu ETF, tương ứng giá trị giao dịch bình quân hơn 214,2 tỷ đồng; tăng lần lượt 68,16% về khối lượng và 84,29% về giá trị bình quân so với tháng 2/2024.
Đối với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị giao dịch đạt trên 107.837 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng 3 với giá trị hơn 8.710 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết ngày 29/3/2024, có 587 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch trên HOSE, gồm 398 mã cổ phiếu, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 171 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt trên 157 tỷ chứng khoán.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,22 triệu tỷ đồng, tăng 3,10% so với tháng 2/2024 và hơn 23,06% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,12% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).
Trong tháng 3/2024, trên HOSE có 2 mã cổ phiếu mới được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch, bao gồm mã VTB của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và mã NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Đến hết tháng 3/2024, trên HOSE có 43 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).