Chốt phiên chiều 17/4, VN-Index giảm 22,67 điểm và rời khỏi ngưỡng hỗ trợ, còn 1.193 điểm; HNX-Index cũng giảm 2,63 điểm và dừng ở mức 226,3 điểm. Theo đó, toàn sàn có 470 mã giảm và hơn 310 mã tăng.
Mặc dù giảm sâu nhưng khối lượng giao dịch toàn thị trường chưa đến 1.000 triệu cổ phiếu, thanh khoản cũng không cao. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 995,18 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị hơn 21.431 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoài bán ròng gần 1.960 tỷ đồng, trong khi mua ròng chỉ hơn 1.073 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất đóng góp cho thị trường mất hơn 12,5 điểm phải kể đến BID, CTG, GVR, VIC, VPB, MBB, VHM, VCB, TCB, GAS. Tuy nhiên, nhóm ngành giảm mạnh trong phiên này lại là chứng khoán, sản xuất hóa - nhựa, khai khoáng, thiết bị điện…
Trước đó trong phiên sáng, VN-Index dừng ở mức 1.211,6 điểm, tương ứng giảm 4,08 điểm. Trong số các cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, VIC đóng góp mức giảm lớn nhất với hơn 1 điểm, CTG là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ hai lên thị trường, theo sau là GVR, HDB, MBB… Ngược lại, các cổ phiếu như VCB, MSN, VNM hay GMD vẫn đang nỗ lực tăng giá, tạo lực đỡ cho thị trường.
Ngành thực phẩm đồ uống là một trong những ngành ghi nhận tích cực nhất trong phiên sáng nay. Các mã cổ phiếu đầu ngành đều tăng khá tốt như VNM tăng 1,09%, MSN tăng 1,66%. Riêng SAB giảm nhẹ với 0,98%.
Cổ phiếu OGC ở nhóm ngành tài chính khác vẫn duy trì được mức tăng cao nhất khi chạm trần từ đầu phiên với 6,95%. Ngược lại, cổ phiếu IPA và TVC đều giảm khá tiêu cực với mức giảm lần lượt là 2,84% và 1,19%.
Nhận định về thị trường trong tháng 4, Công ty chứng khoán Maybank cho biết, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh hoặc đi ngang, tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu trong bối cảnh triển vọng kinh tế và TTCK sáng sủa hơn.
Theo dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2024 (so với 5,05% trong năm 2023), nhờ vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Sự phục hồi mạnh mẽ hơn được kỳ vọng diễn ra trong nửa cuối năm 2024.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital thì thị trường khó giảm tới 20% trong năm 2024. Nguyên nhân, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận 80 doanh nghiệp hàng đầu từ 18 - 19% trong 2024 và sự phục hồi không riêng một ngành nào từ bán lẻ, ngân hàng…
Về định giá, P/E của 80 doanh nghiệp ở mức 11 lần và với tăng trưởng EPS được dự phóng từ 18 - 19%, đây là định giá tương đối hấp dẫn, nếu xét về mặt trung hạn, bỏ qua các biến động trong ngắn hạn.