Trên 100 nghìn tấn đường sẽ được đấu giá hạn ngạch thuế quan

Bộ Công Thương cho biết, có 103 nghìn tấn đường mã HS 17.01 sẽ được đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trong năm 2020.

Theo đó, đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô. Ngoài ra, thương nhân sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện.

Cũng theo Bộ Công Thương, số lượng đường tham gia đấu giá là 72 nghìn tấn đường thô mã HS 17.01; 31 nghìn tấn đường tinh luyện mã HS 17.01. Đặc biệt, giá khởi điểm với đường thô là 2,4 triệu đồng/tấn; đường tinh luyện 2,4 triệu đồng/tấn.

Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại phòng họp tầng 2, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm- Hà Nội vào ngày 2/12/2020. Thời hạn nhận hồ sơ tham gia đấu giá là từ 8h ngày 13/11/2020 đến 17h ngày 24/11/2020.

Trước đó, năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98 nghìn tấn gồm 30 nghìn tấn đường tinh luyện; 68 nghìn tấn đường thô.

Cụ thể, 8 doanh nghiệp tham gia đấu giá; trong đó, 6 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, 2 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường thô.

Kết thúc phiên đấu giá, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019 đã công bố 2 thương nhân tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường thô có hồ sơ hợp lệ và trúng đấu giá là Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa và Công ty TNHH Một thành viên TTC- Biên Hòa Đồng Nai. Tổng cộng có 15 lô được đấu giá với tổng số 15 nghìn tấn, mức giá 2,45 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, 6 thương nhân tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện có hồ sơ hợp lệ và trúng đấu giá là Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hiệp Tâm Phát, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty TNHH Perpetti Van Melle (Việt Nam), Công ty TNHH Fes (Việt Nam), với tổng số lượng 11 nghìn tấn đường tinh luyện. Công ty TNHH Fes (Việt Nam) trúng thầu mức đấu giá cao nhất 2,85 triệu đồng/tấn, số lượng 1 nghìn tấn. Số đường còn lại các thương nhân trúng thầu với mức giá 2,45 triệu đồng/tấn.

Chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương triển khai với tinh thần công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.

Lần đầu tiên thí điểm tổ chức vào năm 2016, chương trình mang lại 138 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi có lợi nhuận từ việc bán đường tinh nhập khẩu và luyện đường thô.

Vì vậy, việc tổ chức vào quý cuối năm cũng được đánh giá là thời điểm phù hợp bởi doanh nghiệp mía đường trong nước đã xong mùa vụ nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Uyên Hương (TTXVN)
Các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới 
Các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới 

Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành mía đường trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN