Tính khả thi của việc báo cáo các giao dịch bất động sản lớn để chống rửa tiền

Bộ Xây dựng từng đề nghị Sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp bất động sản phải báo cáo theo quy định Luật Phòng, chống rửa tiền, đó là rà soát các giao dịch, báo cáo giao dịch đáng ngờ, những giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên để phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên không ít chuyên gia tài chính vẫn băn khoăn về tính khả thi của quy định này?

Theo quy định của Bộ Xây dựng, những đơn vị tiếp nhận những thông tin trên là Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN). 

Các chuyên gia tài chính cho hay: Lĩnh vực bất động sản được xem là nguy cơ rửa tiền cao bởi thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) từng bày tỏ quan ngại về thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.
Đơn cử năm 2018, trong phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang, tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%, đầu tư ngắn hạn chiếm 13%, khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%, đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, thì tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.

"Trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%, phân khúc bình dân khoảng 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản", đại diện HoREA lo ngại.

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm. Tuy nhiên đến nay, việc tuân thủ báo cáo của các doanh nghiệp bất động sản dường như không khả thi.  "Có những khách hàng mua bất động sản vẫn mang cả vali tiền mặt nên khó có thể kiểm soát đâu là tiền 'bẩn', đâu là tiền 'sạch' để hợp thực hóa tài sản là bất động sản", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Việc quản lý các giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng nhằm phòng chống rửa tiền, nếu cơ quan quản lý Nhà nước quyết tâm sẽ làm được. "Đây là nhu cầu tất yếu mà chúng ta hiện vẫn đang buông lỏng. Tôi cho rằng, chúng ta đừng quá nhấn mạnh việc quy định trên sẽ làm khó cho thị trường bất động sản hay giao dịch về nhà ở. Vấn đề nó có khả thi hay không thì phụ thuộc vào chế độ báo cáo của các doanh nghiệp và các sàn giao dịch bất động sản”, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Ánh nói.

Để quản lý được hoạt động giao dịch này, theo ông Vũ Đình Ánh, khi ban hành, cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin; đồng thời làm rõ nguyên nhân tại sao các đơn vị không thực hiện, mức độ nghiêm túc như thế nào. “Bộ Xây dựng thay vì phải có hệ thống thông tin nắm tình hình thị trường bất động sản thì có thể qua hoạt động báo cáo giao dịch từ 300 triệu đồng để thu thập thông tin về thị trường bất động sản một cách chính xác hơn”, TS Vũ Đình Ánh nói. 

Đề cập về tính khả thi của quy định này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: Hoạt động của ngành nghề môi giới là làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Do vậy, các trung tâm môi giới có thể né bằng cách để khách hàng thanh toán mức dưới 300 triệu đồng/ngày hoặc thỏa thuận trong mức đó để không phải tiến hành thủ tục báo cáo. 

 “Quy định mang tính báo cáo theo thủ tục hành chính thực hiện bằng thao tác thủ công khó xử lý được từ các dữ liệu báo cáo này. Cơ quan Nhà nước cần áp dụng các biện pháp sàng lọc đối tượng, giao dịch theo ứng dụng các công nghệ tự động, như đối với ngân hàng hoặc các ứng dụng xử lý dữ liệu lớn của nhiều ngành quản lý đất đai, thành lập doanh nghiệp, thuế thu nhập… để chủ động nhận diện đối tượng, khoanh vùng theo dõi, không phải chờ có điều tra chính thức về tội phạm mới xác minh việc rửa tiền như hiện nay”, luật sư Trần Đức Phượng nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Sửa đổi một số quy định về phòng, chống rửa tiền
Sửa đổi một số quy định về phòng, chống rửa tiền

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN