Thích hợp nắm giữ dài hạn Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime Bank (MSI) cho rằng, nếu nhìn từ khung thời gian 2 năm trở lại đây thì nhóm cổ phiếu dược là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường, DHG, DMC, DHT đã tăng giá gấp 3 - 4 lần so với thời điểm đầu năm 2016.
Nhưng nếu xét ở khung thời gian 2 tháng trở lại đây thì các cổ phiếu dược lại đang vào giai đoạn điều chỉnh và thực sự không hấp dẫn với các nhà đầu tư dưới góc độ giao dịch ngắn hạn.
Đơn giản là không chỉ riêng cổ phiếu dược mà còn nhiều cổ phiếu tăng trưởng khác đều có những giai đoạn tăng giá mạnh rồi lại bước vào các giai đoạn điều chỉnh vài tháng hoặc cho đến 1 năm trước khi quay lại xu thế tăng.
Hay giải thích dưới góc độ thông tin thì đây là giai đoạn không có nhiều thông tin hỗ trợ cho các cổ phiếu dược khiến nhà đầu tư không quá mặn mà giải ngân nếu không muốn nói là bán ra để chuyển sang các cổ phiếu khác có mức tăng giá hấp dẫn.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty Cổ phần Công nghệ cao TRAPHACO. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
|
Theo ông Khánh, đặc điểm của cổ phiếu dược cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin hay ô tô là nhóm cổ phiếu tăng trưởng với các chỉ tiêu tài chính như P/E (hệ số giá trên thu nhập), P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) cao. Nhìn ở mức độ tăng giá, mặt bằng giá trung bình có thể không tăng tốt so với các cổ phiếu giá trị nhưng lại có mức tăng giá bền vững, nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển.
“Cổ phiếu ngành dược vẫn còn triển vọng phát triển trong thời gian tới ít nhất từ 3 - 6 tháng trở lên”, ông Khánh nhận định.
Theo ông Lê Minh Hoàng, Bộ phận nghiên cứu phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, nhóm cổ phiếu dược có mức hấp dẫn hay không phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của nhà đầu tư (ngắn hay dài hạn). Các cổ phiếu thuộc nhóm dược phẩm phần lớn là các cổ phiếu cơ bản, tuy nhiên tính thanh khoản không phải có ở tất cả các cổ phiếu.
Trong thời gian vừa qua, ngành dược nói chung và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành Công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG); Công ty Cổ phần TRAPHACO (TRA) hay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) đều giao dịch một cách khá trầm lắng.
Lý do phần lớn trong thời điểm 2015 cho đến nửa đầu năm 2017, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đã có tốc độ tăng trưởng về giá hết sức ấn tượng (điển hình như DHG tăng 225%, DMC tăng 350%,.. ) nên phần nào đã phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cuối năm 2017, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu ngành thép, bia hay bất động sản nên dường như các cổ phiếu ngành dược đang bị “lãng quên” trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên vẫn có thể điểm thấy một vài “ngôi sao” ngành dược phẩm trong thời gian qua như Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 (DP3) hay Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD).
“Điều này thêm một lần nữa khẳng định ngành dược phẩm vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong danh mục của các nhà đầu tư”, ông Hoàng nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Đức Khánh cho biết ông đồng ý với nhận định cho rằng đối với một nước đang phát triển, môi trường nhiều ô nhiễm dẫn đến các loại bệnh tật gia tăng như Việt Nam thì ngành dược được đánh giá có triển vọng khá tích cực trong trung và dài hạn.
Chính vì quy mô dân số ngày càng lớn, nhu cầu về các thuốc tiêm, kháng sinh, các thuốc đặc trị cũng cao hơn không chỉ xuất phát từ nhu cầu trong nước mà còn cả ngoài nước.
"Chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng ngày càng nhiều các đơn vị, công ty dược nước ngoài đã và đang mua cổ phần chi phối, hoặc trở thành các đối tác chiến lược của các công ty dược nội địa (DHG, IMP, DMC...) ", ông Khánh chia sẻ.
Theo giới quan sát, sử dụng thuốc là nhu cầu tất yếu của người dân, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh cũng như tỷ lệ người trong độ tuổi tiêu thụ dược phẩm, thuốc lớn. Do đó, ngành dược được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trung bình 11,5% (theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) - một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London) trong giai đoạn 2015-2025.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cũng đang được cải thiện cộng thêm tâm lý “thuốc nội – thuốc ngoại” dần được xóa bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam tiếp tục phát triển mảng kinh doanh cốt lõi.
Xét về năng lực tài chính, các công ty trong ngành dược phẩm luôn duy trì được một nền tảng tài chính lành mạnh, chất lượng tài sản tốt, vay nợ duy trì ở mức hợp lý giúp các doanh nghiệp có thể phân bổ nguồn lực tập trung vào các lĩnh vực đặc thù quan trọng của ngành, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn PICS- GMP, EU-GMP, hoàn thiện chuỗi giá trị.
Qua đó, duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan và ổn định, giúp tăng sức hút với các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo ông Lê Minh Hoàng, Bộ phận nghiên cứu phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Việt Nam là một nước đang nằm trong tỷ lệ dân số vàng (tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) tăng từ 53% lên 68,4% trong năm 2015) cộng thêm việc nhận thức của người dân về sức khỏe ngày càng cải thiện do môi trường còn nhiều ô nhiễm dẫn tới tỷ lệ chi tiêu cho dược phẩm trên đầu người liên tục tăng cao (đạt bình quân 142 USD/người vào năm 2014 so với 14 USD/người năm 1995 - số liệu World Bank).
Điều này là hết sức quan trọng với các doanh nghiệp ngành dược phẩm khi nhu cầu tiêu thụ lớn, ổn định thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành tăng cường sản xuất, qua đó thể hiện được kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu trở thành một tài sản hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, ông Hoàng nhấn mạnh.
Lực đẩy từ khung pháp lý Bên cạnh những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn như triển vọng kinh doanh hay kế hoạch nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố về chính sách như áp dụng Luật Dược (sửa đổi) đầu năm 2017 cũng phần nào tác động tích cực đến ngành dược, chuyên gia chứng khoán Lê Đức Khánh nhận định.
Cùng chia sẻ tác động tích cực của Luật Dược (sửa đổi) tới cổ phiếu ngành dược, ông Lê Minh Hoàng từ Công ty Chứng khoán Vietinbank cho biết, việc sửa đổi luật giúp doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn với dòng sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ. Hay kỳ vọng nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại làn sóng hợp tác đầu tư với các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới (Albott-Domesco hay Taisho-Dược Hậu Giang).
Điển hình là quy định liên quan đến đấu thầu ưu tiên nguồn dược liệu trong nước; sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; phát triển và ưu tiên nuôi trồng nguồn dược liệu.
Trong ngắn hạn, có thể việc áp dụng Luật Dược (sửa đổi) chưa có quá nhiều tác động đến doanh nghiệp ngành dược nói chung nhưng về mặt dài hạn, yếu tố này được kỳ vọng sẽ đem tới những tích cực về khả năng cạnh tranh của những doanh nghiệp ngành dược Việt Nam với dòng thuốc ngoại nhập cũng như hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành từ khâu nguyên liệu đầu vào.
Qua đó giữ vững, mở rộng thị phần, đẩy mạnh hoạt động sản xuất đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, thúc đẩy thị giá trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Hoàng, ngành dược Việt Nam không phải là không đối mặt với những khó khăn thách thức như tình trạng thuốc giả tràn lan, ngành hóa dược chưa phát triển nên còn phụ thuộc lớn vào nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu,…
Nhưng với những yếu tố tích cực nêu trên, ông Hoàng cho biết vẫn kỳ vọng một tương lai sáng sủa về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược trong thời gian tới, là động lực chính thúc đẩy thị giá cổ phiếu, qua đó giữ vững sức hút là một trong những ngành nghề được đặc biệt quan tâm trong mắt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.