Giá vàng
Giá vàng châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/9, đi ngược với đà tăng nhẹ từ tuần trước, khi các nhà đầu tư đánh giá quyết định của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục tăng lãi suất trước báo cáo lạm phát tiêu dùng vào cuối tuần này.
Cuối phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống mức 1.922,76 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 1.942,30 USD/ounce.
Praveen Singh, Phó Chủ tịch tại công ty môi giới tài chính Sharekhan (Ấn Độ), cho biết lượng nắm giữ vàng toàn cầu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) giảm cho thấy nhu cầu đầu tư vẫn yếu. Đồng USD dao động quanh mức cao nhất trong hơn 6 tháng, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên gần mức cao nhất trong 16 năm.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 29/9, đồng thời theo dõi các sự kiện ở Washington, nơi các nhà lập pháp Mỹ đang tranh cãi về dự luật chi tiêu với thời hạn cuối cùng là ngày 30/9.
Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 16 giờ 01 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,25 - 68,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá dầu
Giá dầu đi lên trong phiên 25/9, tại thị trường châu Á, giữa bối cảnh các nhà đầu tư tập trung vào khả năng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn sau khi Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời. Tuy nhiên, thị trường vẫn cảnh giác với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 69 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 93,96 USD/thùng, sau khi giảm 3 xu vào cuối tuần trước. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ mở rộng đà tăng trong phiên đầu tuần, giao dịch ở mức 90,57 USD/thùng, tăng 54 xu, tương đương 0,6%.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của IG cho biết: “Giá dầu thô đã khởi đầu tuần thuận lợi khi thị trường đón nhận lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với dầu diesel và xăng của Nga, bù đắp cho thông điệp 'diều hâu' của Fed rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”. Giá dầu đã tăng hơn 10% trong ba tuần trước đó do dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý IV/2023, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung đến cuối năm.
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong "sắc đỏ" vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/9, với Trung Quốc là thị trường dẫn đầu xu hướng giảm, sau khi các ngân hàng trung ương tuần trước củng cố thông điệp rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, trong khi các nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát từ Mỹ và châu Âu.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,5%, quay trở lại mức thấp nhất trong 10 tháng đã chứng kiến vào tuần trước. Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi giảm 12,37 điểm, tương đương 0,49%, đóng cửa ở mức 2.495,76 điểm, kéo dài chuỗi ngày giảm điểm sang phiên thứ ba liên tiếp. Nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực pin giảm mạnh, cùng với lo ngại về lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed và rủi ro trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư.
Sau khi phục hồi vào phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 25/9, do những lo ngại về lĩnh vực bất động sản đang chao đảo của Trung Quốc lại dấy lên, trong khi các nhà giao dịch cũng dự đoán khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất lần nữa trước cuối năm nay. Nhóm cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc hạ hơn 3% trong phiên này. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,82% tương đương 328,16 điểm, xuống 17.729,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,54%, tương đương 16,82 điểm, xuống 3.115,61 điểm. Các thị trường đang tìm kiếm manh mối về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc có lấy lại được sức mạnh, với kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần sắp tới (bắt đầu vào ngày 27/9) sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, chốt phiên 25/9, chỉ số VN-Index giảm mạnh 39,85 điểm (3,34%) xuống 1.153,20 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 11,65 điểm (4,79%) xuống 231,50 điểm.