Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chuyển đổi số ở các công ty chứng khoán đã có những dấu ấn nhất định. Từ năm 2020, việc mở tài khoản chứng khoán được thực hiện thuận lợi thông qua EKYC online. Điều này đã giúp công ty chứng khoán và các nhà đầu tư bớt đi nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp.
Việc thuận tiện trong mở tài khoản chứng khoán đã “kích hoạt” làn sóng nhà đầu tư F0 (thuật ngữ “F0” được giới đầu tư đặt cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ năm 2020 - năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát) gia nhập thị trường chứng khoán.
Theo đó, số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 393.000 tài khoản, gấp đôi so với năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019.
Sang năm 2021, đã có 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, gấp rưỡi giai đoạn 2017-2020 cộng lại. Nhờ đó, thanh khoản thị trường cổ phiếu năm 2021 bùng nổ với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên, tăng gần 250% so với năm 2020. Đáng chú ý, trong năm này, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều phiên giao dịch trên 2 tỷ USD.
Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán. Đây là con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại.
Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, do những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới, việc điều tra, khởi tố một số cá nhân liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp cộng với tâm lý chốt lời sau thời gian tăng trưởng mạnh, thanh khoản thị trường năm 2022 giảm mạnh. Trong cả năm 2022, thanh khoản thị trường cổ phiếu ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 653,96 triệu cổ phiếu, giảm 11,3%; giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng, giảm 21,2% so với bình quân phiên năm 2021.
Dù hiện nay thanh khoản đã giảm mạnh so với thời kỳ bùng nổ, nhưng nếu so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra vẫn cao hơn rất nhiều.
Ông Minh cho rằng, với sự tiện ích từ ứng dụng số, các công ty chứng khoán sẽ đẩy mạnh đầu tư sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ cho khách hàng qua các App trên điện thoại. Qua đó, khách hàng sẽ không cần người tư vấn, nhân viên môi giới. Việc giao dịch sẽ chủ động, thuận tiện hơn.
Công ty chứng khoán sẽ cung cấp nhiều công cụ để tự khách hàng đưa ra quyết định đầu tư. Nhiều công ty chứng khoán đã phát triển các Chatbox, AI, môi giới ảo tự động trả lời, hướng dẫn mở tài khoản, giải quyết các vấn đề cho nhà đầu tư. “Doanh nghiệp chứng khoán nếu không nhanh chóng chuyển đổi số sẽ trở nên lạc hậu và bị đào thải”, ông Minh nhận định.
Dự báo về ảnh hưởng của chuyển đổi số với thị trường chứng khoán trong tương lai, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) Phạm Vũ Thăng Long cho rằng, các sản phẩm số sẽ giúp các nhà đầu tư và các công ty chứng khoán quản trị rủi ro tốt hơn và có ít xác suất sai số hơn.
Theo Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" với các doanh nghiệp chứng khoán. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư thế hệ mới, nhạy bén với công nghệ và luôn đề cao yếu tố trải nghiệm đầu tư khi lựa chọn công ty chứng khoán để giao dịch.
Chuyển đổi số được coi là cơ hội lớn giúp công ty chứng khoán tăng doanh thu và giảm chi phí. Việc chuyển đổi số cũng giúp nhiều công ty chứng khoán có thể giảm dần đội ngũ môi giới, hỗ trợ giao dịch, giảm giá phí về 0 đồng. Các doanh nghiệp sẽ "được" nhiều hơn nhờ vào lợi nhuận từ các sản phẩm mới, phí quản lý tài khoản...
Ông Ngọc cho biết, CSI là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chiến lược phát triển chứng khoán dựa trên nền tảng internet và hầu hết các dịch vụ đều được số hóa để thực hiện online. Với chiến lược này, doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả kinh doanh.
CSI sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh và cũng là một trong những công ty chứng khoán tiên phong phát triển công nghệ, giúp khách hàng giao dịch ngày càng hiệu quả với chi phí thấp nhất.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho rằng, để đón được dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, với mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 20% trong GDP Việt Nam và đến năm 2030 sẽ chiếm tỷ trọng 30%; trong đó ngành tài chính - ngân hàng nằm trong những nhóm ngành ưu tiên phát triển nền kinh tế số. Vì vậy Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã phối hợp cùng các cơ quan quản lý để xây dựng các hệ thống mới như hệ thống KRX (Hàn Quốc) và hệ thống của Tập đoàn FPT, giúp thị trường được thông suốt và đổi mới.
Với định hướng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ đảm bảo an toàn bảo mật và làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, hệ thống máy chủ và lưu trữ cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cho các ứng dụng hiện có của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hệ thống mạng diện rộng được hình thành bằng cách kết nối mạng cục bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với mạng diện rộng của Bộ Tài chính, với các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xây dựng và triển khai hệ thống an toàn bảo mật theo tiêu chuẩn cao và đáp ứng các quy định về an toàn bảo mật cho các hệ thống thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư.
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, để thay đổi về nền tảng công nghệ, văn hóa, vận hành và giá trị mang lại. Bốn công nghệ bao gồm điện toán đám mây, di động, mạng xã hội và dữ liệu lớn là nền tảng cho sự chuyển đổi số tại phần lớn các tổ chức trước đây.
Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain và Giao diện người dùng tự nhiên (ví dụ: in 3D, thực tế ảo, tương tác thực tế ảo...) đang thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt. Bên cạnh đó có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, từ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát đã đẩy nhanh làn sóng chuyển đổi số và đầu tư công nghệ tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề và thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.