Theo ông Mark Sobel, cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thỏa thuận trên sẽ không đưa đến sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa đồng USD và đồng NDT. Trong khi đó, người phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, Myron Brilliant, cho rằng một thỏa thuận tiền tệ có thể đòi hỏi Mỹ hủy kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ tạo cơ hội nhượng bộ cho Bộ Tài chính Mỹ sau tuyên bố vào tháng Tám rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, khi giảm giá đồng NDT để có được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Rất ít thông tin về cơ cấu của thỏa thuận tiền tệ mà Phòng Thương mại Mỹ cho biết là các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc thảo luận trong ngày 10/10, nhưng có nhiều nhận định cho rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm một cam kết từ cả hai phía về việc không phá giá đồng tiền để có lợi thế cạnh tranh thương mại.
Là thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cả Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về điều đó kể từ năm 2010. Ở thời điểm đó, Trung Quốc được cho là đã chủ ý hạ giá đồng NDT. Sự can thiệp sau đó chủ yếu tập trung vào việc nâng giá sau khi đồng tiền này mất giá mạnh vào năm 2015.
Ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhà đàm phán chính của Mỹ, từ lâu đã hối thúc những người đồng cấp Trung Quốc tăng cường tính minh bạch của những lần Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc can thiệp vào thị trường NDT và duy trì sự ổn định của đồng tiền này so với đồng USD. Hồi tháng Tám, đồng NDT giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 7 USD/NDT, phản ứng trước đợt áp thuế mới của Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ lần đầu tiên trong 25 năm.