Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.810,99 USD/ounce vào lúc 1 giờ 44 phút (sáng 10/7 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên mức 1.810,6 USD/ounce.
Việc đồng USD yếu đi cũng giúp vàng thêm “lấp lánh” khi nó khiến kim loại quý này rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhưng yếu tố giới hạn mức tăng của vàng trong phiên này là lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn bốn tháng. Diễn biến này khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng vốn không phải tài sản sinh lời lên cao hơn.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần giao dịch khá thuận lợi với ba phiên tăng và chỉ một phiên giảm nhẹ.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 5/7, giá vàng trong phiên 6/7 đã tăng gần có lúc đạt mức mức cao nhất kể từ ngày 17/6 là 1.814,78 USD/ounce. Thị trường phiên này tập trung vào biên bản cuộc họp mới nhất của Fed dự kiến công bố ngày 7/7 (giờ địa phương) sau khi các nhà hoạch định chính sách hồi tháng trước dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2023. Diễn biến này khi đó đã đẩy vàng xuống dưới mức 1.800 USD/ounce.
Giá vàng ổn định trên mức 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 7/7, sau khi biên bản cuộc họp tháng Sáu của Fed cho thấy các quan chức cho rằng mục tiêu “tiến triển đáng kể” về phục hồi kinh tế vẫn chưa đạt được. Chuyên gia phân tích Suki Cooper thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết ngưỡng để Fed rút lại các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đạt tới, trong khi lạm phát tăng phần lớn phản ánh các yếu tố tạm thời. Cùng với lợi suất trái phiếu sụt giảm, những yếu tố này đã góp phần vào đà tăng của vàng.
Sang phiên 8/7, giá vàng thế giới giảm nhẹ khi lợi suất trái phiếu Mỹ và chứng khoán Phố Wall phần lớn tăng điểm. Trưởng bộ phận chuyên gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ) cho biết rằng dù chịu ảnh hưởng từ lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán, vàng vẫn được hỗ trợ vì nó được xem như một loại tài sản trú ẩn an toàn, đặc biệt là trước những lo ngại về đà phục hồi của thị trường lao động Mỹ và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Với mức tăng trong phiên 9/7, giá vàng đã tiến 1,4% trong tuần qua và đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của công ty môi giới tài chính TD Securities cho biết thị trường đang rất lo ngại về biến thể Delta. Diễn biến khó lường của đại dịch có thể làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Chuyên gia trên nhận định khi các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nhắm mục tiêu toàn dụng lao động và không đặc biệt lo lắng về việc lạm phát vượt quá mục tiêu trong một khoảng thời gian, giá vàng có thể sẽ tăng vượt ngưỡng 1.850 USD/ounce vào cuối năm.
Vàng – thường được coi là “hàng rào” chống lại những bất ổn kinh tế và chính trị cũng như lạm phát tăng phi mã - đã thu hút giới đầu tư khi tình trạng thiếu hụt vaccine và các biến thể virus dễ lây lan đã khiến nhiều nước phải áp đặt những hạn chế phòng dịch mới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Pierre Veyret, nhà phân tích kỹ thuật tại công ty môi giới đầu tư ActivTrades cho rằng các nhà đầu tư phải bận tâm đến rất nhiều vấn đề, bao gồm việc Fed giảm bớt các biện pháp hỗ trợ, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều nước. Chuyên gia này nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều sự không chắc chắn xung quanh quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.