Cụ thể, giá vàng thế giới tăng trong phiên đầu tuần 3/7, khi đồng USD giảm do các chỉ số kinh tế yếu hơn dẫn tới quan ngại về việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì chính sách tiền tệ “cứng rắn” hay không. Phiên này, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,1% lên 1.920,49 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn ổn định và ít thay đổi ở mức 1.929,50 USD/ounce.
Các chuyên gia nhận định giá vàng có thể đã “vững chân” trong khoảng 1.900 USD/ounce. Theo các chuyên gia, thị trường dường như ngày càng đặt cược vào triển vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn. Nhưng các số liệu trong tương lai có thể làm thay đổi khả năng đó và Fed có thể chỉ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất nữa.
Đà tăng của vàng được nối dài sang phiên 4/7, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.928,09 USD/ounce, với khối lượng giao dịch thưa thớt do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ dịp Quốc khánh. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% lên 1.935,90 USD/ounce.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của ngân hàng UBS, cho rằng các số liệu kinh tế yếu hơn dự đoán mới đây của Mỹ, trong đó có chỉ số các nhà quản lý mua hàng, đã hỗ trợ giá vàng.
Biên bản cuộc họp tháng 6/2023 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed công bố ngày 5/7 cho thấy các quan chức Fed tin rằng việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ là phù hợp trong năm 2023, thậm chí một số ý kiến còn thúc đẩy việc tăng lãi suất ngay trong tháng 6/2023.
Thông tin này đã khiến giá vàng tại sàn COMEX thuộc thị trường New York (Mỹ) đã giảm trong phiên 5/7 trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Cụ thể, giá vàng giao tháng 8/2023 giảm 2,40 USD (0,12%), đóng cửa ở mức 1.927,1 USD/ounce.
Các nhà giao dịch đang dự kiến 89% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7/2023 sau khi tạm dừng vào tháng trước, theo công cụ phân tích Fedwatch của CME.
Giá vàng thế giới áp sát mức thấp nhất trong một tuần trong phiên ngày 6/7, khi báo cáo về tình hình việc làm tại khu vực tư nhân của Mỹ tốt hơn dự kiến đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng Fed sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao. Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.910,15 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.915,40 USD/ounce.
Lượng việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 6/2023, cho thấy "sức khỏe" của thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh, bất chấp những đợt nâng lãi suất đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức đỉnh của hơn bốn tháng, còn lợi suất trái phiếu hai năm chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2007.
David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại công ty môi giới giao dịch kỳ hạn High Ridge Futures, cho biết sự sụt giảm của giá vàng đã phản ánh dự báo của thị trường nghiêng về khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7/2023.
Đến phiên giao dịch cuối tuần 7/7, giá vàng thế giới đi lên và hướng đến tuần tăng giá đầu tiên trong bốn tuần trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm sau khi báo cáo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ một lần nữa gây quan ngại về lộ trình tăng lãi suất sau tháng 7/2023. Trong phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.926,54 USD/ounce. Kim loại quý này ghi nhận mức tăng 0,4% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,9% lên 1.932,50 USD/ounce.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp thấp hơn dự kiến trong tháng 6/2023, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức cao nhất trong 7 tháng trong bối cảnh tiền lương tăng khá mạnh.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức cao nhất trong hơn 4 tháng, trong khi đồng USD giảm 0,9% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần sau dữ liệu trên, khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Các nhà giao dịch gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng này, nhưng khả năng diễn ra các đợt tăng lãi suất sau đó đang trở nên không rõ ràng.