Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Hậu Giang giá lúa có sự tăng/giảm tùy loại so với tuần trước như: IR 50404 là 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; trong khi đó OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; RVT là 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Đồng Tháp ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại lúa như: IR 50404 còn 6.400 đồng/kg, OM 6976 còn 6.400 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa cũng ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại, như: IR 50404 còn 5.600 đồng/kg, OM4218 là 5.700 đồng/kg; riêng OM 6976 vẫn giữ ổn định là 5.900 đồng/kg.
Giá lúa tại Cần Thơ vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhìn chung giá lúa vẫn duy trì ổn định như: Nàng Hoa 9 từ 5.900 - 6.200 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; OM 18 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.500 - 5.600 đồng/kg; riêng OM 5451 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động. Theo đó, gạo Hương lài giá 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp, chi phí sản xuất lúa tăng, trong khi đó khó khăn về logistics của doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho giá lúa doanh nghiệp thu mua của nông dân thấp.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đã tạo dựng được vị thế quan trọng, có những bước tiến mạnh. Trong vòng 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành quả xuất khẩu đối với chủng loại thơm và chủng loại gạo trắng. Ví dụ, Đài thơm 8, OM5451... có sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ.
Tuy nhiên, chất lượng gạo ngon không bởi do giống lúa mà còn do quy trình chế biến. Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, hạt lúa sau khi thu hoạch cần được sấy khô và bảo quản đúng cách. Song, công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo. Không những vậy, công nghệ chế biến của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, làm cho giá trị hạt gạo chưa cao.
Chẳng hạn như tại địa phương có diện tích lúa gieo cấy lớn thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội), những năm gần đây, nông dân Thái Bình chú trọng hơn đến các giống lúa chất lượng cao với diện tích gieo cấy trung bình đạt 40%/năm, có huyện diện tích này tới 70%.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế lúa gạo Thái Bình tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu vẫn là bài toán khó nhiều năm nay.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát lúa gạo; trong đó, có 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, 20 công ty, 4 hợp tác xã quy mô vừa và lớn áp dụng dây chuyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát. Năng lực sơ chế, chế biến khoảng 200.000 tấn/năm.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty lương thực thực phẩm Khang Long cho rằng, thiếu hệ thống sấy lúa đang là khâu yếu nhất của tỉnh trong sản xuất lúa gạo. Bởi muốn nâng cao chất lượng lúa gạo, bên cạnh sản xuất đạt tiêu chuẩn thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Trong khi đó, thực tế hiện nay số lượng nhà máy sấy đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Trong khi thị trường lúa trong nước ghi nhận sự giảm giá, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan cũng đi xuống do áp lực giảm giá của đồng rupee Ấn Độ và đồng baht Thái. Tại Bangladesh, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này giao dịch ở mức từ 355 - 360 USD/tấn, giảm so với mức tư 357 - 362 USD của tuần trước. Ngày 22/6, đồng rupee giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, với 78,39 rupee đổi 1 USD, giúp làm tăng tỷ suất lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đang rất cao do giá cả cạnh tranh hơn các nước xuất khẩu gạo khác.
Mặt khác, việc Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ vào tháng 5/2022 đã khiến các nhà kinh doanh gạo tăng cường thu mua và đặt thêm nhiều đơn hàng giao sau do lo ngại các nguy cơ hạn chế xuất khẩu tiềm tàng.
Trong khi đó, tại Bangladesh, lũ lụt đã làm thiệt hại 75.000 ha trồng lúa. Quốc gia từng một trong những nước sản xuất gạo lớn trên thế giới này đang phải dựa vào nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai gây ra.
Về phía Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này giảm xuống từ 420 - 425 USD/tấn từ mức từ 430 - 440 USD/tấn trong tuần trước do đồng baht suy yếu. Đồng baht hiện giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi so với đồng USD. Một thương lái ở Bangkok nhận xét, giá gạo giảm do đồng baht yếu đi trong khi nhu cầu không còn sôi động, đồng thời giá dầu cao hơn đã làm tăng chi phí vận chuyển.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống từ 418-423 USD/tấn từ mức từ 420 - 425 USD ghi nhận trong tuần trước. Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung gạo đang tăng lên nhưng nhu cầu không còn mạnh như tuần trước. Theo thương lái này, các khách hàng chỉ đang khảo giá chứ chưa quyết định mua ngay, một số nơi thậm chí đã dự trữ đủ gạo từ vụ Đông Xuân. Hiện Trung Quốc và Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.
Về thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 24/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đi ngược chiều nhau, với giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ lại giảm.
Khép lại phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 18,5 xu Mỹ (2,82%) lên 6,74 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 nhích thêm 8,75 xu Mỹ (0,62%) lên 14,2425 USD/bushel.
Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 12,75 xu Mỹ (1,34%) và đóng cửa phiên ở mức 9,365 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô tăng mạnh sau khi triển vọng khí hậu của Mỹ ngày càng đối diện với nhiều rủi ro. Thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất ở nhiều khu vực, với nắng nóng trên diện rộng có thể xuất hiện vào đầu tháng 7. Nhiều nguy cơ đang gia tăng, và câu hỏi đặt ra là về lâu dài liệu sản xuất của Mỹ và khu vực Bắc bán cầu có đáp ứng nhu cầu toàn cầu hay không.
Ngày 25/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/6, Mỹ đã xuất khẩu 26 triệu bushels ngô, tăng so với 6 triệu bushel trong tuần trước, xuất khẩu lúa mỳ đạt 18 triệu bushels, tăng từ 9 triệu bushel.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 10 triệu bushel đậu tương để giao hàng cho niên vụ mới vào phiên ngày 24/6, với tổng khối lượng xuất khẩu đậu tương theo hợp đồng trong giai đoạn 2022-2023 đạt mức kỷ lục 491 triệu bushel, tăng so với 277 triệu bushel của cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London giảm trong tuần này. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 giảm 42 USD xuống 2.044 USD/tấn và giá Robusta giao tháng 11/2022 giảm 39 USD xuống còn 2.037 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York giao tháng 9/2022 giảm 5,75 xu Mỹ xuống 223,25 xu/lb và giá Arabica giao tháng 12/2022 giảm 5,80 xu Mỹ xuống 221,45 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. (1lb = 0,45 kg)
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm từ 700 - 800 đồng, xuống dao động trong khung từ 40.000 - 40.500 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn tại Mỹ đã đi xuống do sau khi Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo về cung - cầu thị trường cà phê toàn cầu. Theo báo cáo, dự báo sản lượng toàn cầu trong niên vụ cà phê 2022-2023 sẽ tăng 4,7% so với niên vụ trước lên 174,95 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa cà phê Arabica của Brazil cho sản lượng cao. USDA cũng dự báo tồn kho cà phê toàn cầu cuối niên vụ 2022-2023 sẽ tăng 6,3% lên 34,70 triệu bao.
Bên cạnh đó, giá cà phê giảm còn do giá trị đồng real của Brazil tiếp tục giảm xuống mức thấp trong 4 tháng rưỡi (với 1 USD = 5,2520 real), điều này đã khuyến khích nông dân Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vụ mùa đang thu hoạch.