Chị Minh Trang, nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thường xuyên trang điểm mỗi khi ra đường, đi làm hoặc gặp gỡ bạn bè. Mỗi tối chị cũng đều sử dụng các sản phẩm chăm sóc da trước khi đi ngủ. Để tin tưởng, chị Trang thường xuyên nhờ bạn ở Hàn Quốc mua giúp mỹ phẩm của các thương hiệu như My skin, Natural Republic…
Chị Trang cho biết, các sản phẩm mỹ phẩm của Việt Nam còn khá ít, đơn điệu về chủng loại, bao bì, đóng gói cũng không đẹp mắt như các sản phẩm nước ngoài, do đó chị chưa tin tưởng để sử dụng.
Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ở Việt Nam ngày càng tăng cao. |
Dạo qua các con phố cũng như các trung tâm thương mại ở Hà Nội, có thể thấy mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều cửa hàng bán các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài như The Face shop, Innis Free, Yves Rocher, Bourjois... Trên Facebook cũng xuất hiện cả trăm trang bán hàng mỹ phẩm ngoại xách tay, đáp ứng nhu cầu của khách Việt.
Theo số liệu khảo sát thị trường mỹ phẩm, người Việt chi tiền cho mỹ phẩm trung bình khoảng 4 USD/người/năm. Riêng phụ nữ Việt chi tiêu trung bình 140.000 đồng mỗi tháng cho mỹ phẩm với 2 hình thức tìm kiếm thông tin để mua bán mỹ phẩm chính là bạn bè (70%) và website (30%).
Giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam năm 2011 là 500 triệu USD nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 2 tỷ USD (số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và World Bank).
Điều đó cho thấy nhu cầu về mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp ở Việt Nam là rất lớn và nhu cầu này cũng đang tăng cao. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu này.
Năm 2017, Triển lãm mỹ phẩm và làm đẹp Mekong Beauty Show lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 600 thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc và các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Bà Claudia Bonfiglioli, TGĐ Informa Beauty - đơn vị tổ chức cho biết, triển lãm lần đầu tổ chức nhưng đã thu hút hơn 7.000 khách tham quan, đồng thời kết nối các DN then chốt trong phát triển lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp.
“Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang thiếu những chương trình kết nối DN. Do đó, chúng tôi đã xây dựng Câu lạc bộ Bán lẻ và phân phối mỹ phẩm của Việt Nam, kết nối Hiệp hội Tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam. Sản phẩm làm đẹp tự nhiên và hữu cơ sẽ là xu hướng chính của năm 2018. Tại Mekong Beauty Show diễn ra tháng 6 năm nay sẽ xây dựng khu vực đặc biệt cho các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường”, bà Claudia cho hay.
Cơ hội lớn cho ngành mỹ phẩm Việt Nam Bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao, GĐ thương hiệu Ilahui Việt Nam (đơn vị chuyên bán lẻ mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp) cho biết: Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với quy mô GDP khoảng 220 tỷ USD và dân số trên 90 triệu dân, đa phần là trẻ. Theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn thị trường A.T Kearney (Mỹ), năm 2017 Việt Nam đứng thứ 6 trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất.
"Chúng tôi đã xây dựng chuỗi cửa hàng tiện ích phân phối, bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam từ năm 2016. Hiện nay đã có hơn 40 cửa hàng tại 26 tỉnh thành trên cả nước. Trong 2 năm tới, chúng tôi dự kiến mở 200 cửa hàng tại Việt Nam", bà Giao cho hay.
Hiện nay, nhu cầu về mỹ phẩm thiên nhiên rất cao, đến từ các spa (mỗi năm có hơn 2.000 spa mở tại Việt Nam với quy mô khác nhau), nhu cầu làm đẹp bản thân (không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp, chăm sóc da, hoàn thiện ngoại hình) cũng như những thói quen trong cuộc sống.
Bà Lã Thị Hoài Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn TVR cho biết, đang phát triển dòng sản phẩm làm đẹp từ dầu dừa, nguồn nguyên liệu lấy từ Bến Tre. Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển các dòng sản phẩm làm đẹp nguồn gốc thiên nhiên do chúng ta có nhiều nguồn dược liệu quý.
Vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm là một điểm yếu của các DN ngành mỹ phẩm Việt Nam. Bà Kelly Luu, TGĐ Centdegres Vietnam lưu ý, việc thiết kế bao bì sản phẩm để gia tăng giá trị cho thương hiệu cũng quan trọng không kém chất lượng sản phẩm. Do đó, các DN Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Phước Hưng, GĐ Kinh doanh Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết đã nhìn thấy những thách thức của ngành mỹ phẩm Việt Nam. Các sản phẩm của công ty ngày càng cải tiến về mẫu mã, bao bì vì đó là cái đầu tiên người tiêu dùng nhìn thấy về sản phẩm. Đồng thời, công ty cũng liên kết chặt chẽ với các đối tác quốc tế.
Theo đại diện Ilahui, khảo sát thực tế cho thấy rào cản của DN Việt Nam là chưa sản xuất được trọn bộ sản phẩm, tức là chỉ có thể chuyên về một loại sản phẩm như mặt nạ, chăm sóc da, hay trang điểm. Đây không chỉ là vấn đề của nhà sản xuất Việt Nam mà ngay cả các nhà sản xuất Thái Lan hay Hàn Quốc cũng gặp phải.
Về mẫu mã bao bì, bà Quỳnh Dao cho rằng DN không nên quá kén chọn mà nên chọn những nhãn mác có thể gây dấu ấn cho khách hàng, đón được xu hướng...