Từ cuối tháng 9/2024, USD đã tăng hơn 7% so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, đặc biệt là đồng EUR. Tỷ giá EUR/USD đã bị đẩy gần 1,01 USD đổi 1 EUR vào ngày 3/2, chỉ cách mức ngang giá một chút. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ cũng cho thấy nhiều nhà đầu cơ đang đổ xô vào giao dịch đồng USD “tăng giá”. Các khoản cược dài hạn đã lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng trước. Trong cuộc khảo sát của Reuters từ ngày 3 - 5/2, có 40/47 (khoảng 85%) chiến lược gia tiền tệ cho rằng sức mạnh của đồng USD sẽ không sớm suy yếu và vị thế hiện tại sẽ giữ nguyên, thậm chí gia tăng hơn nữa vào cuối tháng 2.
Bà Meera Chandan, giám đốc ngoại hối tại JP Morgan, cho biết các kỳ vọng lạc quan về đồng USD chủ yếu do căng thẳng thương mại leo thang. Dự báo này được củng cố bởi các yếu tố tại Mỹ như lợi suất trái phiếu cao hơn, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thị trường chứng khoán sôi động. Một lý do khác là hỗ trợ chính sách của Tổng thống Donald Trump, bao gồm các biện pháp thuế khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất thêm. Bà Chandan lưu ý sự tăng trưởng mạnh mẽ được phản ánh trong giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức cao hơn khoảng 4%. Tuy nhiên, bà Chandan cho rằng đồng USD có thể suy yếu sau quý I/2025 và rất ít có khả năng xảy ra bước ngoặt.
Theo ông Alex Cohen, chiến lược gia ngoại hối tại Bank of America, thị trường rất nhạy cảm với các tin tức trong bối cảnh “đám mây bất ổn” về thuế quan bao trùm khắp nơi. Chính sách thuế và chiến tranh thương mại của ông Trump gây ra sự không chắc chắn lớn trong thị trường, có thể gây ra lạm phát và làm giảm tốc độ tăng trưởng, khiến các dự báo trở nên khó khăn hơn. Điều này lý giải cho chênh lệch trong các dự báo về tỷ giá EUR/USD. Trong cuộc thăm dò mới nhất, khoảng 1/3 các nhà chiến lược ngoại hối dự đoán đồng EUR ngang giá hoặc thấp hơn so với USD trong 3 đến 6 tháng tới.
Xu hướng ủng hộ quan điểm này đã tăng mạnh so với tháng trước khi chỉ có khoảng 1/5 nhà chiến lược đưa ra dự báo này. Các yếu tố hỗ trợ dự báo này là sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất nhiều trong tương lai gần. Thực tế là đồng EUR đang chịu ảnh hưởng bởi các đợt cắt giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và có thể sẽ giao dịch yếu hơn trong 6 tháng tới. Theo chuyên gia Dan Tobon, đồng USD đang được định giá trên cơ sở các niềm tin tích cực bất chấp sự hỗn loạn xung quanh. Nếu không có thay đổi lớn về các yếu tố vĩ mô, USD có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong ngắn hạn và ít khả năng giảm mạnh. Ông cũng lưu ý những rủi ro về thuế quan và khả năng Fed sẽ giữ chính sách lãi suất thắt chặt hơn so với các ngân hàng trung ương khác, điều này làm cho đồng USD duy trì sức mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng sự mạnh mẽ của đồng USD sẽ không duy trì lâu dài, còn đồng EUR sẽ giữ ổn định trong 3 - 6 tháng tới ở mức 1,03 USD và tăng khoảng 2% trong nửa cuối năm lên 1,05 USD. Lý do là khi sự khác biệt giữa tăng trưởng của Mỹ và các nền kinh tế khác thu hẹp lại, đồng USD sẽ yếu đi. Ngoài ra, các yếu tố như sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác và chiến tranh thương mại dự kiến sẽ tiếp tục làm thị trường biến động mạnh.