Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhận diện điểm sáng đầu tư năm 2023

Chiều 15/2, Công ty cổ phần FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức Tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023".

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Theo Ban tổ chức, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 vẫn đang là một dấu hỏi lớn trước áp lực đáo hạn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nền lãi suất cao đan xen với những tín hiệu tích cực từ sự phát triển của nền kinh tế, đầu tư từ nước ngoài, đầu tư công và triển vọng thương mại quốc tế...

Nhận diện về thách thức và điểm sáng của thị trường chứng khoán năm 2023, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích chứng khoán, Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, về bối cảnh vĩ mô, kỳ vọng lãi suất có dư địa lớn hạ nhiệt trong thời gian tới khi lạm phát dự kiến sẽ dịu bớt đi.

Còn về bối cảnh thị trường, bà Vân cho biết đang quan sát 3 biến số, đó là thanh khoản và giao dịch ký quỹ (vay margin); định giá của thị trường và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Vân, thanh khoản thị trường đang ở mức rất thấp so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh. Cụ thể, thanh khoản thị trường giảm khoảng 60%, trong khi đó VN-Index giảm khoảng 30% so với mức đỉnh. Trong khoảng 5 tháng gần đây, dường như thanh khoản đang đi tìm mặt bằng ổn định mới. Đây là điểm khá tích cực, nhất là trong bối cảnh dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán giảm rất sâu.

Có gần 80% lượng margin các công ty chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư năm 2021 được thu hồi. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, họ cũng bán gần 80% tổng giá trị đã mua ròng trong năm 2021. Do đó, dù thanh khoản thị trường thấp, nhưng không bị chi phối quá nhiều bởi dòng tiền rẻ, hay tỷ lệ đòn bẩy cao như giai đoạn 2020 và 2021, bà Vân nhận định.

Liên quan đến mặt bằng định giá P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), rõ ràng sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp được cập nhật thì P/E có mức tăng từ 9,9 lần lên khoảng 11,6 lần. Mức tăng P/E ngoài câu chuyện bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp niêm yết còn bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về lãi suất hạ nhiệt.

Về dòng tiền ngoại, trong thời gian qua, lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ rất tích cực cho đà hồi phục của cổ phiếu nhóm ngành thép, ngân hàng... Tuy nhiên, thời điểm này lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang yếu dần.

Bà Vân cho rằng, bối cảnh hiện tại thị trường chứng khoán có 3 điểm tích cực, đó là hầu hết các rủi ro về mặt vĩ mô thị trường đã nhận diện và phản ánh vào giá cổ phiếu. Những rủi ro nội tại của thị trường như bán giải chấp cổ phiếu (công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định) giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán mở đầu năm 2023 với mặt bằng định giá thấp. Đây là điều trái ngược so với năm 2022, dù có những nhóm ngành triển vọng lợi nhuận chưa phản ánh vào giá, nhưng với nền định giá thấp như vậy đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn khi triển vọng lợi nhuận năm 2023 được đánh giá tích cực.

Bà Vân khuyến nghị, dù mặt bằng lãi suất có thể đã tạo đỉnh và giảm trong thời gian tới, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý về tốc độ giảm. Đồng thời, nhà đầu tư cần xem xét thêm yếu tố lạm phát cũng như diễn biến của dòng vốn ngoại.

Nói về kinh tế vĩ mô, PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tâm điểm của kinh tế Việt Nam hiện nay là vấn đề lãi suất và chính sách tiền tệ trong thời gian tới vì điều này liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác nhau của nền kinh tế.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, những khó khăn đã qua đi và nền kinh tế, các chính sách điều hành sẽ được cải thiện dần. Tuy nhiên, trong quá trình cải thiện về mức lạc quan sẽ có những “gập ghềnh”, những biến cố mà thị trường chứng khoán và nền kinh tế gặp phải.

Theo chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường, điểm sáng nhất của thị trường chứng khoán hiện nay là những yếu tố rủi ro đều được nhận diện và đó cũng chính là cơ hội. Do đó, năm 2023 vẫn có cơ hội đầu tư và vấn đề là nhà đầu tư cần có kế hoạch rõ ràng, chọn lựa cổ phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 15/2
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 15/2

Các thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm trong phiên 15/2 trong bối cảnh báo cáo lạm phát của Mỹ không đủ làm dịu những lo ngại của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng lãi suất, điều nhiều người lo ngại có thể gây ra một cuộc suy thoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN