Theo công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù thiếu thông tin hỗ trợ trong tháng 11 nhưng các dữ liệu kinh tế vĩ mô, về vốn đang cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau các tác động của dịch COVID-19, cùng với đó mặt bằng lãi suất thấp sẽ là bước đệm an toàn giữ chân dòng tiền trong thị trường. Cụ thể, VCB và CTG giảm lãi suất tiền gửi khách hàng 0,2% đối với một số kỳ hạn (kỳ hạn 1-2 tháng, kỳ hạn 3 tháng...); BIDV giảm lãi suất tiền gửi khách hàng kỳ hạn 9 tháng 0,3%; các ngân hàng quy mô trung bình khác như VPB, STB, MSB... cũng giảm lãi suất tiền gửi khách hàng kỳ hạn dài 0,1-0,5%.
Đồng thời, các ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm nay. Có thể thấy, từ tháng 10/2020, VCB cho vay đối với DNVVN với lãi suất ưu đãi 5,9%/năm phục vụ mục đích kinh doanh; Agribank cũng cắt giảm lãi suất cho vay lần thứ 4 trong năm nay với mức cắt giảm 0,3%. MBB cũng áp dụng lãi suất cho vay doanh nghiệp từ 6,8%/năm, với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời gian tối đa 180 tháng.
Cùng quan điểm, công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, sau tháng 10 biến động, đà tăng của các chỉ số chứng khoán khi bước sang tháng 11 đã chậm lại do thị trường đã phản ánh quá nhanh những kỳ vọng về phục hồi. Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp và điểm sáng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Kỳ vọng này cũng được củng cố qua diễn biến dòng vốn đầu tư và các chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam trong tháng 10 như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư công… Bên cạnh đó là tín hiệu tích cực từ FDI so với các tháng trước.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích VDSC vẫn lo ngại, nợ xấu sẽ tác động đến TTCCK. Bởi trong 9 tháng 2020, nợ xấu tăng đáng kể. Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, nợ xấu cuối tháng 9/2020 khoảng 97.280 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở dưới mức 2,0%. Với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9,0% so với cùng kỳ vào năm 2020, các chuyên gia tài chính ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, diễn biến kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2020 cũng sẽ là sự kiện lớn đáng quan tâm do Chính phủ vẫn đặt mục tiêu cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7,0%. Việc thông qua những chỉ tiêu kinh tế lạc quan hơn trong giai đoạn 2021-2025 cũng như cam kết hành động của Chính phủ sẽ phần nào có tác động tốt đến tâm lý của thị trường tháng 11.
Bên cạnh yếu tố trong nước, việc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tác động phần nhỏ đến TTCKVN. Theo phân tích của VDSC, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Cụ thể, nếu Tổng thống Donald Trump thắng, sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu ông Joe Biden thắng, rất có thể thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng trở lại, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty. Tuy vậy, rất khó có thể xảy ra trong ngắn hạn (trong 6-12 tháng) việc bất kỳ ứng viên nào có thể đưa ra những thay đổi một cách khó lường trong chính sách. Ngoài ra trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ không quá bi quan vì kết quả bầu cử đều ghi nhận tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Mỹ trong quá khứ bất kể bên nào thắng cuộc.
SSI cũng nhìn nhận, yếu tố rủi ro liên quan đến bầu cử Mỹ đã không còn quá lớn. Rủi ro lớn nhất với thị trường tài chính hiện tại vẫn là diễn biến đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang đến gần cũng đang được xoa dịu bởi thông tin kết quả sơ khởi thử nghiệm vaccine COVID-19 từ Pfizer/Biotech cho hiệu quả hơn 90%.
Theo đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cho rằng nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có các nhịp rung lắc cho đến hết tháng 11/2020, VN-Index dao động trong vùng 900 - 960 điểm. Các nhịp điều chỉnh sẽ tạo nền giá hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư để cơ cấu lại danh mục cũng như tìm kiếm cơ hội xa hơn cho năm 2021.
Còn theo VDSC, đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu sàng lọc và tích lũy những cổ phiếu nhóm ngành có điểm rơi lợi nhuận trong quý 4/2020 cũng như có triển vọng tích cực hơn trong năm 2021. Trong ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá cơ hội vẫn hiện hữu nhưng sẽ bị giới hạn ở một nhóm nhỏ cổ phiếu có “câu chuyện” riêng. Cân nhắc giữa các yếu tố trên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, ngành BĐS, ngân hàng có thể dẫn dắt sự lạc quan của thị trường trong tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nghiêng về kịch bản chỉ số chứng khoán có xu hướng tăng, đích kỳ vọng quanh 960 điểm. Nhưng thị trường sẽ có nhiều nhịp giao dịch giằng co đan xen khi nền giá hiện tại đã phần nào phản ánh tương đối hợp lý những rủi ro và cơ hội. Nhất là trong thời điểm thiếu thông hỗ trợ thì rủi ro ngoại biên, đặc biệt là diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 cần được theo dõi sát sao, bởi yếu tố này sẽ tác động mạnh tới triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp.