Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Wall Street), cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chốt phiên ở mức cao kỷ lục, lần lượt tăng 0,3% và 0,2% ở mức 29.030,22 điểm và 3.289,29 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số Dow Jones vượt mốc 29.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng phản ứng tích cực khi tăng 0,1% ở mức 9.258,70 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Anh) tăng 0,3% ở mức 7.642,80 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 trên thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,2% ở mức 13.432,30 điểm.
Thị trường chứng khoán Tokyo cũng tăng điểm ngay đầu phiên giao dịch sáng 17/1. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,13% hay 31,74 điểm lên 23.948,32 điểm, tuy nhiên chỉ số Topix lại giảm 0,01% (0,14 điểm) xuống 1.730,92 điểm.
Theo đánh giá của ông Marvin Loh, chiến lược gia cao cấp của State Street Global Markets, mặc dù thỏa thuận trên chưa thể mang lại sự thay đổi đáng kể đối với triển vọng kinh tế song là một thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp giúp họ có sự lạc quan để thực hiện các kế hoạch đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó cùng ngày, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng. Đây là một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đánh dấu bước đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua. Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới và đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ đối với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn được áp đặt cho tới giai đoạn hai.
Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết một số vấn đề về công nghệ và an ninh mạng sẽ được giải quyết trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn hai”, nhằm chấm dứt tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ông Mnuchin cũng cho biết các công ty và nông dân Mỹ có thể sẽ có thêm nhiều lợi nhuận khi sau khi cải cách cơ cấu được giải quyết trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn hai”. Tuy vậy, ông Mnuchin cho hay Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không tuân thủ thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”.
Còn Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước đó cũng cho biết Bắc Kinh và Washington sẽ phối hợp sau khi ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” nhằm đạt các kết quả cụ thể. Trong cuộc hội đàm với Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva , ông Lưu Hạc cũng cho biết Trung Quốc và Mỹ có thể phối hợp để có một quan hệ đối tác đôi bên “cùng thắng”, bất chấp những khác biệt về mô hình kinh tế.