Biểu tượng Moneygram. Ảnh: REUTERS |
Động thái này có nguy cơ đẩy hàng trăm việc làm đứng trước nhiều rủi ro, giữa bối cảnh nhiều công ty tài chính đang lên kế hoạch chuyển trụ sở sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhằm tiếp tục hưởng những lợi ích từ khu vực thị trường chung châu Âu sau khi Anh rời EU.
Theo số liệu cuối năm 2016, chi nhánh của Moneygram International tại Anh có 300 nhân viên, hiện cung cấp các dịch vụ chuyển tiền trên toàn châu Âu. Ngân hàng Quốc gia Bỉ ngày 11/1 đã khẳng định thông tin về việc cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cho Moneygram sau khi hai bên tiến hành các cuộc gặp hồi mùa Xuân năm ngoái.
MoneyGram hiện có mặt tại hơn 200 nước, bao gồm cả Bỉ, đồng thời duy trì giấy phép hoạt động tại nhiều nước trên thế giới, nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chuyển tiền đáng tin cậy cho các khách hàng trên toàn cầu.
Ngày 11/1, Thủ tướng Anh Theresa May và lãnh đạo các công ty tài chính, ngân hàng hàng đầu ở Trung tâm tài chính London đưa ra nhận định rằng không phải EU mà New York và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhiều khả năng sẽ được lợi hơn nếu London đánh mất vị trí là "thủ đô tài chính" của thế giới. Sự phân rẽ của thị trường châu Âu có lẽ sẽ mang lại lợi ích cho các trung tâm tài chính bên ngoài châu Âu. Tại cuộc gặp với các tên tuổi lớn trong ngành tài chính như Barclays và Goldman Sachs tại phố Downing ngày 11/1, Thủ tướng May và Bộ trưởng tài chính Philip Hammond gửi thông điệp rằng ngành tài chính Anh sẽ được bảo vệ với một thỏa thuận thương mại sau Brexit. Tuy nhiên, phía EU vẫn giữ một lập trường đối lập trong vấn đề này rằng lĩnh vực tài chính của Anh sẽ không được đưa vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa hai bên.