Trung tâm tài chính London đứng trước nhiều sóng gió

Vị thế của London, một trong 2 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, đang đối mặt với những nguy cơ lớn chưa từng có trong suốt 2 thế kỷ 20 và 21.

Trung tâm tài chính này là một tài sản chiến lược của Anh trong suốt 200 năm nay, song việc "đảo quốc sương mù" quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã và đang kéo theo không ít rủi ro.

Trung tâm tài chính London đang đứng trước nhiều sóng gió. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện hầu hết người dân Anh khá thờ ơ trong việc bảo vệ vị thế của mình, thậm chí hoài nghi về vai trò của trung tâm tài chính London do cho đó là nguyên nhân gây bất bình đẳng thu nhập. Trên thực tế, các nhân viên ngành truyền thông làm việc tại London nhận thù lao khoảng 1.242 USD, người lao động các ngành nghề khác thu nhập khoảng 869 USD, song con số mà người dân ở những thành phố khác tại Anh có được chỉ vào khoảng 698 USD. Mức thu nhập trung bình của London cao hơn bởi tại đây có nhiều người được hưởng các ưu đãi lớn, song thực tế trung tâm tài chính chiếm 13% dân số nước Anh này lại phải đóng thuế chiếm tới 30% ngân sách quốc gia, bằng mức đóng góp của 37 thành phố lớn nhất nước này cộng lại.

Do đó, nếu London suy yếu, Chính phủ Anh sẽ buộc phải cắt giảm trợ cấp vùng và đảng Dân tộc Scotland sẽ nhanh chóng tìm cách thúc đẩy mục tiêu đòi độc lập với lý do sự tồn tại của Vương quốc liên hiệp Anh không đảm bảo cuộc sống cho người dân Scotland.

Xét tới những yếu tố bên ngoài, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây nhấn mạnh hy vọng Paris sẽ được lợi từ Brexit. Hồi tuần trước, Bộ Kinh tế, Ngân hàng Trung ương Pháp và các chính trị gia tại Thượng viện Pháp, đều thẳng thắn đề cập khả năng nước Anh suy yếu, kèm theo đó là sự lu mờ của trung tâm tài chính London, như một cơ hội để nước Pháp vươn lên khẳng định mình. Không chỉ riêng Paris coi Brexit là thời cơ, Frankfurt cũng thừa nhận Đức sẽ đề xuất những quy định để bảo vệ người lao động muốn chuyển đổi việc làm từ London.

Milan cũng muốn tận dụng cơ hội này để trở thành một trung tâm tài chính quan trọng, xây dựng “một hệ thống pháp lý tương tự như London” để đảm bảo sự chuyển đổi thông suốt cho “các thị trường tài chính, ..., không thể tiếp tục ở lại London”. Trong khi đó, thành phố Dublin, Amsterdam (Hà Lan) và Stockholm (Thụy Điển) đều đang nỗ lực cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp từ London về phía mình. Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley, ông Colm Kelleher thậm chí còn dự đoán nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang trung tâm tài chính New York của Mỹ.

Những kỳ vọng trên không phải không có cơ sở khi Ngân hàng Mỹ (BofA) ngày 21/7 vừa qua tuyên bố sẽ chuyển trụ sở quản lý hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Âu từ London về Dublin để chuẩn bị cho Brexit. Nhiều doanh nghiệp, công ty cũng đang cân nhắc khả năng tương tự với việc thay đổi "đại bản doanh" sang các thành phố khác trên thế giới ngoài London.

TTXVN/Báo Tin Tức
Paris cạnh tranh quyết liệt với Frankfurt vị trí trung tâm tài chính châu Âu
Paris cạnh tranh quyết liệt với Frankfurt vị trí trung tâm tài chính châu Âu

Thủ đô Paris (Pháp) đang cạnh tranh với thành phố Frankfurt (Đức) nhằm thu hút các tổ chức tài chính và ngân hàng tới mở chi nhánh hoặc đặt văn phòng đại diện trong bối cảnh giới quan sát dự báo vị trí "trung tâm tài chính" của London (Anh) sẽ bị lung lay dưới tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN