Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.048,42 điểm, tăng gần 2% so với tháng 10 và giảm hơn 30% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 992,89 điểm, giảm 0,05% so với tháng 10, và giảm 36,41% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.049,21 điểm, tăng 2,18% so với tháng 10 và giảm 31,68% so với cuối năm 2021.
Một số ngành ghi nhận mức tăng được thể hiện tại các chỉ số như ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 6,5%; ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) tăng 4,37%; ngành năng lượng (VNENE) tăng 2,23%. Ngược lại, ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) ghi nhận giảm 7,72%; ngành bất động sản (VNREAL) giảm 5,37%; ngành công nghiệp (VNIND) giảm 3,06%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 11 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.443 tỷ đồng (giảm nhẹ so với tháng trước nhưng không đáng kể) và 693,45 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 26,51% về khối lượng bình quân so với tháng 10.
Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong tháng đạt 15,25 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 251.765 tỷ đồng, lần lượt tăng 32,53% về khối lượng và 4,7% về giá trị giao dịch so với tháng 10.
Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 64.028 tỷ đồng, chiếm hơn 12,71% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 11.693 tỷ đồng. Đây là một trong những nhân tố chính giúp VN-Index hồi phục sau khi giảm sâu xuống gần 874 điểm vào giữa tháng 11.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần 6.614 tỷ đồng (283 triệu USD) trong quý I/2022 sau khi căng thẳng chính trị Nga - Ukraine leo thang chiến tranh và Fed bắt đầu nâng lãi suất. Sau đó, khối ngoại dần quay lại tích cực hơn kể từ tháng 4 và mua ròng mạnh trong đợt giảm giá sâu của thị trường chứng khoán vào tháng 11.
Tính chung, khối ngoại đã mua ròng khoảng 6.821 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong 11 tháng năm 2022. Đa phần hoạt động mua vào được yểm trợ bởi 11.421 tỷ đồng dòng vốn ETF (chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon ETF) đổ vào thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại đã tăng mạnh từ 6,2% đầu năm 2022 lên 14,8% trên tổng giá trị giao dịch thị trường vào cuối tháng 11/2022.
"Chúng tôi cho rằng tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ cũng đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa", báo cáo phân tích của VN-Index nhận định.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, mặt bằng định giá thị trường PE xấp xỉ 10 lần, thấp hơn so với trung bình quá khứ và các nước trong khu vực cùng với tín hiệu mua ròng mạnh từ khối ngoại cho thấy triển vọng dài hạn cho thị trường Việt Nam.
Theo Agriseco, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong quá trình tạo đáy, đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc đang được khối ngoại mua ròng.