Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Trong hai ngày cuối tuần 4/2 và 5/2, người dân tại TP Hồ Chí Minh tấp nập đến các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và chợ truyền thống để mua sắm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, sức mua trên thị trường thành phố đang tăng trở lại, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm tươi sống vẫn duy trì ở mức cao.
Siêu thị đắt hàng
Trong hai ngày cuối tuần sau Tết, lượng khách đến hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.opmart) tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Người tiêu dùng chủ yếu mua sắm các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; trứng; rau ăn lá và gia vị...
Sức mua tăng mạnh và cao hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên, giá cả nhìn chung không những không tăng mà một số mặt hàng còn có giá giảm so với thời điểm Tết.
Theo đại diện Trung tâm thương mại siêu thị LOTTE Mart, sau Tết, đơn vị này đảm bảo cung ứng khoảng 30 tấn rau củ, quả mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, hiện nay sức mua tại LOTTE Mart vẫn duy trì ở mức tăng cao so với ngày thường. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bên cạnh nhu cầu mua sắm, nhiều gia đình đã tìm đến LOTTE Mart để ăn uống, vui chơi và giải trí.
Còn trong các ngày mở cửa khai trương từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, sức mua ở hệ thống siêu thị Big C đã đạt khoảng 3/4 ngày thường. Hiện sức mua ở hệ thống siêu thị Big C đã bằng ngày thường và có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ra, cũng như các hệ thống bán lẻ khác, tại hệ thống siêu thị Big C, sức mua tăng cao tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, nhu yếu phẩm (đường, hạt nêm, mì gói...).
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại và quan hệ công chúng, hệ thống siêu thị Big C cho biết, nắm bắt nhu cầu thị trường và tâm lý người tiêu dùng thường ưa chuộng các mặt hàng thủy hải sản, rau xanh... sau Tết, hệ thống siêu thị Big C đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng người tiêu dùng. Vì vậy, khi đến hệ thống siêu thị Big C, người tiêu dùng có thể mua được các mặt hàng thủy hải sản như cua, tôm, mực, cá ngừ, cá basa, cá thu, cá hồi... với giá cả hợp lý.
Song song với việc tăng cường chuẩn bị nguồn hàng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, các nhà bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm.
Điển hình, hệ thống Big C thực hiện chương trình khuyến mãi dành cho các mặt hàng dành cho trẻ em; LOTTE Mart giảm giá một số mặt hàng rau củ, quả, trái cây, thực phẩm công nghệ. Riêng hệ thống siêu thị Co.opmart đang có chương trình cho ngành hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, dụng cụ nhà bếp... với mức từ 15% - 40%.
Riêng các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh, đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động. Trong đó, các đơn vị bình ổn còn chuẩn bị các phương án giảm giá, khuyến mãi kích cầu phục vụ người tiêu dùng; tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá.
Giá "nhảy múa" tại chợ
Khác với hàng hóa kinh doanh tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hàng hóa bán buôn tại các chợ truyền thống, điểm vui chơi và giải trí, đền, chùa... "nhảy múa" khó kiểm soát. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm hút hàng "hét giá" như rau củ, quả, trái cây, thủy hải sản, hoa tươi cắt cành...
Tại các chợ truyền thống như Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Hưng, Thị Nghè..., nguồn hàng hóa khá dồi dào, kể cả mặt hàng thủy hải sản, rau củ, quả không có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung, nhưng hầu hết tiểu thương đều tăng giá bán cao hơn ngày thường từ 10.000 - 20.000 đồng, tùy theo mặt hàng.
Các mặt hàng như dừa xiêm, sau Tết, có giá lên đến 17.000 - 19.000 đồng/trái (tăng gấp 3 lần ngày thường); xoài cát Hòa Lộc 250.000 - 300.000 đồng/kg (tăng gấp đôi ngày thường); xà lách mỡ Đà Lạt 35.000 - 40.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng), cá diêu hồng 80.000 - 100.000 đồng/kg (tăng khoảng 20.000 đồng/kg)...
Không riêng gì tại các chợ bán lẻ, ở các điểm vui chơi và giải trí, đền, chùa..., một số mặt hàng cũng được bán giá cao so với ngày thường hoặc những nơi khác. Cụ thể, nếu ngày thường, một bó hoa sen chỉ cá giá vài chục nghìn đồng, nhưng vào những ngày này có giá hơn một trăm nghìn đồng. Còn các loại hoa khác như cúc, vạn thọ, cát tường... cũng bị "đẩy giá" tăng 5.000 - 10.000 đồng/bó. Riêng các mặt hàng trái cây phục vụ cho nhu cầu thắp hương, lễ Phật... cũng "loạn giá" mỗi nơi mỗi khác nhau và chênh lệch ở từng điểm bán.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho hay, vào thời điểm này, nguồn hàng về chợ đã tăng và tương đối dồi dào, trong đó các mặt hàng rau củ, quả, trái cây đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, giá cả các mặt hàng vẫn đảm bảo ổn định, có một số sản phẩm hút hàng tăng giá nhẹ. Do đó, việc hàng hóa về các điểm bán lẻ tăng giá là do nguyên nhân khác, chứ không phải do thiếu hàng sốt giá.
Bên cạnh đó, ghi nhận ý kiến một số tiểu thương ở các chợ bán lẻ, nguyên nhân tăng giá là do sau Tết giá vận chuyển và thuê nhân công đắt đỏ, phải trả giá cao họ mới chịu đi làm sớm. Ngoài ra, chỗ nào nhân công không chịu đi làm sớm thì phải thuê lao động thời vụ nên tiền lương đội lên gấp 2 và 3 ngày thường. Mặt khác, đối với thực phẩm tươi sống, các hợp đồng kinh doanh chỉ cam kết cung ứng đủ nguồn hàng chứ thường không chốt giá mà giá cả phải tuân thủ theo quy luật thị trường.
Thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm nay đa số doanh nghiệp sản xuất chọn thời gian khai trương và bắt đầu hoạt động từ ngày 6/2. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn có đơn hàng và hợp đồng xuất khẩu, nên đã tổ chức xe đưa đón và đảm bảo chế độ khen thưởng cho công nhân để giữ tiến độ cũng như duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi người lao động trở lại thành phố làm việc và sinh sống, thì sức mua của thị trường sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.