Đầu năm nay, nhiều nhà đầu tư nhận định việc lãi suất tăng có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, gây thêm sức ép lên thị trường sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Thay vào đó, kinh tế Mỹ vẫn đứng vững, dù Fed đã đạt được tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát, một kịch bản lý tưởng mà nhiều người tin rằng sẽ hỗ trợ thị trường. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng gần 19% kể từ đầu năm.
Các nhà đầu tư nhận định Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 26/7, nhưng nhiều người cũng hy vọng sẽ có những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, điều cho thấy rằng Fed không cần thiết phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất.
Khả năng nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi và Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất đã khiến một số nhà phân tích điều chỉnh lại dự báo thị trường chứng khoán sẽ tăng đến đâu trong năm nay.
Nhà phân tích Jonathan Golub tại Credit Suisse đã nâng dự báo về chỉ số S&P 500 vào cuối năm nay từ 4.050 điểm lên 4.700 điểm, khi triển vọng kinh tế mạnh hơn và dự báo lợi nhuận từ các dịch vụ truyền thông và công nghệ khả quan.
Nhà phân tích Tom Lee tại Fundstrat Global Advisors nâng dự báo về chỉ số S&P 500 vào cuối năm nay lên 4.825 điểm, trong khi nhà phân tích Ed Yardeni tại Yardeni Research đưa ra con số 5.400 điểm cho 18 tháng tới.
Người phụ trách chiến lược đầu tư Liz Ann Sonders tại Charles Schwab cho rằng lạm phát giảm, số liệu kinh tế mạnh, lòng tin tiêu dùng cải thiện và đồng USD giảm là cơ sở để thị trường tăng điểm.
Giám đốc đầu tư tại Bank Wealth Management, Eric Freedman, nhận định tăng lượng cổ phiếu mua vào trong những tháng gần đây và lạc quan hơn vào thị trường cổ phiếu trước nhận định lợi nhuận doanh nghiệp sẽ cải thiện khi nền kinh tế vẫn vững.
Trong khi đó, Goldman Sachs đã hạ khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới từ 25% xuống 20%, khi lạm phát giảm có thể để ngỏ khả năng Fed hạ lãi suất. Ngân hàng này tháng trước đã nâng dự báo về chỉ số S&P 500 từ 4.000 điểm lên 4.500 điểm.