Tại hệ thống SJC Hà Nội, Đà Nẵng, vàng SJC giao dịch 56,10 – 56,67 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng mua vào và giảm 100.000 đồng/bán ra so vớ phiên trước. Mức giảm cũng tương tự như trên, giá vàng tại SJC Thành phố Hồ Chí Minh giao dịch 56,10 – 56,55 triệu đồng/lượng.
Tại Cửa hàng Phú Quý, SJC giao dịch 56,30 – 56,70 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng mua vào, giá bán giữ nguyên so với phiên trước. Còn tại VietinBank Gold, SJC mua vào giảm 100.000 đồng/lượng, bán ra hạ 50.000 đồng/lượng so với phiên ngày 4/2, giao dịch 56,10 – 56,70 triệu đồng/lượng.
Trước đó tại Hà Nội, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng là 55,95 - 56,55 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng mua vào và giảm 200.000 đồng bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán của các công ty kinh doanh vàng trong nước tăng lên 550.000 - 600.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, vàng đã "lao dốc" hơn 2%, rơi khỏi ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch 4/2. Hợp đồng vàng tương lai mất 2,4% xuống 1.791,20 USD/ounce. Đến sáng 5/2, giá vàng giao ngay tăng nhẹ và xoay quanh mức 1.796 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 50 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Tuy nhiên, trong nước chỉ giảm “nhỏ giọt” khiến mỗi lượng vàng SJC đang cao hơn thế giới 6,65 triệu đồng/lượng, bỏ xa khoảng cách dưới 5 triệu đồng của tuần trước.
Theo Bảo Tín Minh Châu, giá vàng thế giới giảm mạnh do áp lực bán tháo bởi các dấu hiệu phục hồi của thị trường lao động Mỹ và kế hoạch cứu trợ COVID-19 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vàng giảm giá còn do các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Cả 3 chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều tăng mạnh và đang ở gần đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại.
Hiện thị trường vẫn theo sát các tín hiệu chính sách của ngân hàng Trung ương các nước. Bất kỳ động thái nào liên quan đến thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến giá vàng và bạc.