Siết chặt biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp mới

Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo và Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố đồng tiền ảo không có giá trị pháp lý nhưng với những thủ đoạn tinh vi, tiểu xảo gây hấp dẫn, nhiều người tiêu dùng vẫn như những con thiêu thân lao vào một cuộc chơi mới dưới hình thức đa cấp trá hình thực hiện giao dịch tiền ảo.

Có thể nói người Việt không còn lạ với tiền ảo, bởi những năm vừa qua loại tiền điện tử này đã làm mưa làm gió trên thị trường. Ngoài Bitcoin, hàng loạt đồng tiền điện tử khác như Ilcoin, Onecoin, Octacoin... đã được du nhập vào Việt Nam.

Chính vì lẽ đó mà không ít lần Ngân hàng Nhà nước cũng như những đơn vị có thẩm quyền khuyến cáo tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, cảnh báo người dân không nên mua - bán, trao đổi, sử dụng loại tiền này bởi khi xảy ra rủi ro thì người sở hữu, mua - bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, những đồng tiền này đã thu hút một lượng không nhỏ người tiêu dùng bởi những lời quảng cáo về lãi suất cao, hoa hồng dày mà lại không mất nhiều mồ hôi công sức.

Xuất phát từ nhận thức thiếu hiểu biết mà không ít nhà đầu tư chân đất sẵn sàng móc hầu bao đầu tư. Cùng với đó, do luật pháp chưa rõ ràng về quản lý đa cấp nên mạng lưới này đang ngày càng nở rộ. Ban đầu chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, nay đã tỏa tới các miền quê mời chào những người dân muốn làm giàu nhanh chóng.

Không dừng lại ở đó, theo các cơ quan chức năng hiện nay hoạt động đa cấp và kinh doanh tiền ảo đã bắt tay nhau tạo ra một liên minh với các chiêu trò khiến rất nhiều người rơi vào bẫy tiền ảo.

Ban đầu người chơi chỉ cần đóng vài chục euro, sau thời gian ngắn, người chơi có thể kiếm về hàng nghìn euro khi nâng cấp gói Ilcoin thông qua hình thức đổ tiền đầu tư hoặc mời thêm được người chơi mới vào hệ thống. Nhưng việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiểm ẩn nhiều rủi ro mà người tiêu dùng không hề hay biết.

Thừa nhận cơn lốc tiền ảo đang gây lũng đoạn thị trường trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp.

Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng.

Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống (hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống). Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.

Thông kê từ Cục này cho thấy, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp còn khoảng 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015. Điều này phần nào cho thấy nhiều người đã “tỉnh ngộ” trước những lời dụ dỗ ngồi chơi vẫn có tiền, làm giàu không khó.

Tuy nhiên, các công ty đa cấp biến tướng không chịu bó tay. Địa bàn hoạt động của những công ty này nhanh chóng được thiết lập và mở rộng cả ở những “vùng rừng xanh núi đỏ”, những nơi dân trí thấp để có thể dễ dàng lôi kéo người tham gia.

Minh chứng rõ nhất là vụ việc mới xảy ra tại Gia Lai, các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”.

Để dụ dỗ những người nhẹ dạ, muốn làm giàu nhanh chóng tham gia, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng, kèm theo đó là các mức hoa hồng tăng theo kiểu đa cấp khi mời được thêm người mới. Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, những kẻ lừa đảo đã “ôm” hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng và biến mất.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, việc kiểm tra, xử lý các công ty bán hàng đa cấp rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.


Giao dịch tiền ảo, đầu tư vào các dự án có tính chất “bánh vẽ”, lấy tiền của người sau trả cho người trước... Trong khi đó, quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2014, sau hơn 2 năm triển khai đã bộc lộ một số bất cập.

Hàng loạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Tuy nhiên, các mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị này cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng và nhà đầu tư thận trọng khi tham gia giao dịch và sử dụng tiền ảo, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, Cục cũng chưa hề cấp phép hoạt động cho những trang web kinh doanh tiền ảo. Đáng lưu ý là hiện vẫn chưa có văn bản nào xác định việc giao dịch Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là hành vi vi phạm pháp luật hay các quy định siết chặt quản lý Nhà nước về mô hình kinh doanh này một cách cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xử lý nhiều doanh nghiệp, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh của không ít công ty bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, trong lúc chờ các đơn vị chức năng sửa đổi lại Nghị định về bán hàng đa cấp cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản, chính sách quản lý và siết chặt việc cấp phép mới thì người tiêu dùng nên tỉnh táo trước những lời cám dỗ nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Uyên Hương (TTXVN)
Thêm một công ty đa cấp bị Bộ Công Thương 'trảm'
Thêm một công ty đa cấp bị Bộ Công Thương 'trảm'

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Triwonder International.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN