Sắc đỏ trong tháng 1 có thể mở ra một năm 'sóng gió' cho Phố Wall

Chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu đầy biến động trong năm 2022.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Dù Phố Wall đã lấy lại được một phần mức giảm trước đó trong hai phiên cuối cùng của tháng 1, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn kết thúc tháng vừa qua với mức giảm 5,3%, mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào tháng 3/2022. Chỉ số công nghệ Nasdaq đang trong giai đoạn điều chỉnh, trong khi chỉ số Russell 2000 đã xác nhận xu hướng đi xuống, với mức giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.

Nhiều nhà đầu tư đang tiến hành chốt lời sau khi chỉ số S&P 500 đã kết thúc chuỗi ba năm khởi sắc nhất suốt 20 năm qua vào năm 2021 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất sau khi thị trường chứng khoán đã được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng hậu đại dịch của ngân hàng này.

Diễn biến trong tháng 1 có thể là tín hiệu xấu cho thời gian còn lại của năm nay. Kể từ năm 1950, khi chỉ số S&P 500 tăng trong tháng 1, chỉ số này đã tăng trung bình 11,9% trong 11 tháng còn lại của năm đó, theo số liệu của công ty môi giới LPL Financial. Tuy nhiên, khi đã giảm trong tháng 1, thì chỉ số S&P 500 thường chỉ tăng trung bình 2,7% trong 11 tháng còn lại.

Gần đây hơn, sắc đỏ trong tháng 1 không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một năm ảm đạm của thị trường. Trong 10 lần gần đây chỉ số S&P 500 giảm trong tháng 1, có tới 9 lần chỉ số trên vẫn tăng trong 11 tháng tiếp theo, với mức tăng trung bình 13,1%, theo LPL Financial.

Trong tháng 1, giới đầu tư đặc biệt tháo chạy khỏi các cổ phiếu tăng trưởng, trong đó có công nghệ và nhiều cái tên khác có giá trị cao dựa vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Chỉ số đo diễn biến của nhóm cổ phiếu tăng trưởng trong chỉ số S&P 500 giảm 8,4% trong tháng 1 vừa qua.

Trong khi đó, các cổ phiếu giá trị, vốn lâu nay có diễn biến yếu hơn kỳ vọng, lại vững vàng hơn, với chỉ số đo diễn biến của nhóm cổ phiếu giá trị trong chỉ số S&P 500 chỉ giảm nhẹ 1,7%.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu năng lượng, vốn được dự đoán là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lạm phát cao, là điểm sáng của thị trường, với chỉ số đo diễn biến của nhóm năng lượng tăng đến gần 19% trong tháng vừa qua, và đây cũng là nhóm duy nhất tăng điểm trong chỉ số S&P 500.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)
Thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên vào cuối phiên 24/1
Thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên vào cuối phiên 24/1

Trong phiên giao dịch ngày 24/1, thị trường chứng khoán Phố Wall phục hồi và tăng điểm khi giới đầu tư chuẩn bị tâm lý trước quyết định vốn được theo dõi sát sao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tín hiệu tăng lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN