Chốt phiên giao dịch ngày 14/10, VN-Index giảm 2,05 điểm xuống 1.286,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 795,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 18.282,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 146 mã tăng giá, 222 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,65 điểm xuống 230,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 43,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 781,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng giá, 83 mã iamr giá và 72 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,22 điểm xuống 92,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 387,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 128 mã tăng giá, 128 mã giảm giá và 99 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có 19 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá và 3 mã đứng giá. Nếu không có nhóm cổ phiếu Vingroup đỡ thì thị trường có lẽ còn giảm sâu hơn nữa. Theo đó, cả 3 mã họ Vingroup đều chốt phiên trong sắc xanh; trong đó, VHM tăng tới 4,01% lên mức 45.350 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 8 tháng kể từ tháng 2/2024.
Giá trị giao dịch đạt gần 1.000 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán phiên 14/10. Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên giá trị không lớn, chỉ khoảng 70 tỷ.
Vốn hóa thị trường của VHM đạt xấp xỉ 198.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD). Con số này đưa Vinhomes vượt qua VietinBank để trở lại vị trí thứ 4 trong danh sách doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, chỉ sau Vietcombank, BIDV và FPT.
Trong rổ VN30, các mã như GVR tăng 2,25%, POW tăng 1,59%, MBB tăng 1,17% cũng tạo lực nâng tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, dưới sức ép giảm giá của các nhóm cổ phiếu, chỉ số đã không giữ được sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo áp lực giảm điểm lớn lên thị trường chung. Trong nhóm này chỉ còn 3 mã ở chiều tăng giá, trong khi có tới 17 mã giảm giá. Đáng chú ý nhất trong nhóm này là cổ phiếu EIB. Cổ phiếu này có thời điểm giảm sàn, sau đó hồi phục nhẹ, chốt phiên ở mức 18,250 đồng/cổ phiếu (giảm 4.45%). Khối lượng cổ phiếu tăng đột biến, đạt hơn 42,6 triệu cổ phiếu trong phiên.
Các nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ. Hầu hết các nhóm ngành còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 636 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 615 tỷ đồng. FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 179 tỷ đồng. Tiếp đến, EIB, VPB và HPG cũng bị bán ròng từ 60 tỷ đồng tới gần 100 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng bán ròng xấp xỉ 23 tỷ đồng trên HNX và chỉ mua ròng khoảng 1 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.