Mức tăng này cũng được hỗ trợ nhờ những cam kết của Trung Quốc về việc sẽ thực hiện các biện pháp để kích thích nền kinh tế đang trì trệ.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,5% lên 33.262,74 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2% lên 20.304,12 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,9% lên 3.303,96 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Wellington, Manila và Jakarta cũng tăng.
Tuy nhiên, đồng yen vẫn chịu sức ép trước đồng USD do các nhà giao dịch cân nhắc quyết định của Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm 28/7, trong đó nới lỏng kiểm soát giá trái phiếu chính phủ, khiến đồng tiền này dao động mạnh.
Chứng khoán Mỹ đã tăng cao trong phiên 28/7 sau dữ liệu cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã giảm trở lại trong tháng 6/2023 với tốc độ chậm nhất trong hai năm. Số liệu này được đưa ra sau một loạt số liệu tích cực từ Mỹ, cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Fed đang mang lại kết quả, còn thể trạng nền kinh tế vẫn tồi tệ.
Ngày 26/7, các quan chức Fed đã thắt chặt lãi suất một lần nữa, nhưng cho biết các quyết định trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, cho thấy chu kỳ lãi suất sắp đến hồi kết.
Trong tuần này, thị trường đang theo dõi sát sao báo cáo việc làm để tìm kiếm manh mối mới về kế hoạch lãi suất của Fed.
Ngày 31/7, Trung Quốc đã thông báo các biện pháp mới để thúc đẩy tiêu dùng, mang lại thêm sự hỗ trợ cho các thị trường sau khi chính phủ nước này ngày 28/7 đã công bố một loạt sáng kiến cho ngành công nghiệp nhẹ.
Các nhà chức trách đã công bố kế hoạch 20 điểm bao gồm hỗ trợ nhiều hơn cho nhu cầu nhà ở, lĩnh vực văn hóa và du lịch cũng như tiêu dùng xanh như xe điện.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 7,19 điểm (0,60%) lên 1.214,86 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,69 điểm (0,71%) lên 239,23 điểm.