Nhận định từ các chuyên gia thương mại, so với năm 2017, mức giá này đã tăng gấp đôi và nếu tính từ đầu năm đến nay giá lợn hơi đã tăng ở từ 200 - 220%, thậm chí còn cao hơn nữa.
Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước cũng cho thấy, tại miền Bắc, hiện giá lợn hơi được thu mua trong mức từ 52.000 - 55.500 đồng/kg; miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 47.000 - 55.000 đồng; trong khi đó tại miền Nam, giá lợn giao dịch ở ngưỡng từ 46.000 - 51.000 đồng/kg.
Giới phân tích cho rằng, giá thịt lợn đang biến động theo chiều hướng tăng, kéo theo việc nhiều hộ nông dân tổ chức tái đàn. Vì vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đúng và cung cấp số liệu sát thực về nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong giai đoạn hiện nay và các tháng cuối năm. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp chế biến nhằm khảo sát lượng thịt cung ứng ra thị trường.
Theo kết quả thống kê từ cuối tháng 3 đến nay, giá lợn tăng đã thúc đẩy hoạt động đầu tư tái đàn dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung. Dự kiến, trong tháng 9 khi nguồn cung dồi dào trở lại, giá thịt lợn sẽ giảm dần và không ở mức quá cao như hiện nay.
Để giải quyết thực trạng giá lợn tăng cao, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương để đánh giá rõ nét hơn về nguồn cung.
Sau khi có được con số cụ thể, Vụ Thị trường trong nước sẽ đưa ra kiến nghị có nên nhập khẩu thịt lợn hay không bởi mục tiêu của Bộ Công Thương là đảm bảo đủ thịt lợn cho nhu cầu sử dụng với giá cả ổn định, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cùng quan điểm này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, nếu phải nhập khẩu, giá thịt lợn cao sẽ là điểm bất lợi cho các hộ chăn nuôi trong nước.
Bên cạnh đó, nếu không cải thiện tình hình chăn nuôi, chất lượng thịt trong nước cũng sẽ khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu. Vì vậy, Cục Xuất Nhập khẩu khuyến cáo ngành chăn nuôi cần cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu.