Tuần qua, nếu như đầu tuần thị trường trong nước chứng kiến xu hướng giảm từ đầu tuần (21/8), đến sáng 24/8, giá vàng bật tăng và ghi nhận lần đầu trở lại giao dịch ở mốc 68 triệu đồng/lượng, sau hơn nửa năm giao dịch lình xình trong vùng 67 triệu đồng/lượng. Trước đó, lần gần nhất giá vàng trong nước giao dịch ở mức này vào cuối tháng 1 năm nay.
Bước sáng phiên giao dịch sáng 25/8, giá vàng để vuột mất mốc này, tuy vậy chỉ sang sáng 26/8, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trở lại và duy trì giao dịch trên 68 triệu đồng/lượng đến cuối tuần (27/8).
Đóng cửa phiên cuối tuần, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,35 - 68,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,35 - 68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước tăng 400.000 đồng/lượng. Cùng lúc, giá vàng thế giới tăng mạnh trong tuần qua sau 4 tuần giảm liên tiếp trong bối cảnh Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.
Trong phát biểu ngày 25/8 tại hội nghị thường niên của giới lãnh đạo ngân hàng thế giới ở Jackson Hole, ông Powell nhắc lại cam kết tiếp tục theo dõi sát số liệu kinh tế, trong khi để ngỏ khả năng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD tăng đã góp phần gây sức ép lên vàng trở lại.
Nhà phân tích Craig Erlam tại Công ty Tài chính OANDA cho rằng, giá vàng sẽ khó nhận được động lực mạnh để bứt phá nếu không có sự gia tăng đáng kể về số liệu lạm phát hay thị trường việc làm xấu đi. Các nhà giao dịch có thêm cơ sở để tin rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng, kéo theo đồng USD lên giá và gây sức ép lên giá vàng.