Dấu hiệu tích cực
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), diễn biến trong tuần qua của chỉ số VN-Index chủ yếu là giằng co và đi ngang khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa có kết quả cuối cùng. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN - Index kết tuần trong vùng giằng co 935 - 940 điểm và có thể bứt phá khỏi vùng này trong tuần tới khi mà nước Mỹ xác định được Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 duy trì basis (sự khác biệt giữa giá của hợp đồng tương lai và giá trị của tài sản cơ bản) dương 5,39 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh vẫn lạc quan về xu hướng thị trường.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (9 - 13/11), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 950 điểm (vùng giá trước khi dịch COVID-19 xảy ra).
SHS khuyến nghị, những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong phiên 28/10 có thể canh chốt lời ngắn hạn nếu thị trường có nhịp tăng đến quanh ngưỡng 950 điểm. Những nhà đầu tư đang nắm tiền mặt có thể giải ngân một phần danh mục nếu thị trường có nhịp giảm về quanh ngưỡng hỗ trợ trung hạn 920 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định, diễn biến thị trường hiện vẫn chưa xuất hiện điều gì mới đột biến, các chỉ số hầu như đi ngang với biên độ hẹp. Thanh khoản của thị trường co hẹp cho thấy áp lực bán không mạnh mẽ nhưng bên mua vẫn đang chờ cơ hội tốt.
“Đánh giá chung, chúng tôi thấy thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tích cực dần và cơ hội để tăng điểm trở lại sắp xuất hiện. Các nhà đầu tư có thể giải ngân một phần hoặc số lượng vừa phải để chuẩn bị cho một xu hướng mới”, VDSC khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), phiên cuối tuần không nhiều biến động với khối lượng giao dịch sụt giảm là tín hiệu đầu tiên dự báo cho sự kết thúc của giai đoạn đi ngang hiện tại. Tuy nhiên, SSI cho rằng vẫn cần một phiên tăng điểm tốt đi kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh vượt lên trên đường trung bình 50 ngày trở lại để VN - Index chính thức quay lại xu hướng tăng ngắn hạn. Khi đó có thể kỳ vọng chỉ số VN - Index đi lên vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại vùng kháng cự mạnh 990 - 1.000 điểm.
Có nhận định thận trọng hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt dự báo tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục dao động giằng co trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 900 - 910 điểm và cận trên 940 - 950 điểm.
Công ty chứng khoán này cho rằng, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn có thể tạo ra biến động khó lường đối với thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong những phiên đầu tuần tới. Mặt khác, nhà đầu tư sẽ bắt đầu hướng sự chú ý đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, thị trường chứng khoán hồi phục trở lại trong tuần từ 2 - 6/11 sau khi điều chỉnh ở tuần trước đó. Kết thúc tuần giao dịch, VN - Index đứng ở mức 938,29 điểm, tương ứng tăng 12,82 điểm; HNX - Index tăng 3,97 điểm lên 139,31 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 6.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 25,5% xuống 30.372 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 26,3% xuống 1.539 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 28,8% xuống 2.676 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 25,7% xuống 198,5 triệu cổ phiếu.
Điểm tiêu cực của thị trường vẫn là việc dòng vốn ngoại bán ròng rất mạnh. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại bán ròng tới 1.921 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), với việc thị trường hồi phục trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 2,9% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ sức kéo của đại diện như HSG tăng 12,3%...
Tiếp theo là nhóm trụ cột thị trường ngân hàng với mức tăng 2,2%, với các mã tiêu biểu như MBB tăng 1,1%, BID tăng 1,4%, TCB tăng 1,2%, VCB tăng 2,4%, ACB tăng 4,1%, CTG tăng 4,3%, SHB tăng 4,5%...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng tăng 2,1% vốn hóa, các mã như HVN tăng 0,2%, SCS tăng 4,1%, VJC tăng 4,4%... Nhóm hàng tiêu dùng tăng 2% giá trị vốn hóa với các trụ cột trong ngành như VNM tăng 0,7%, BHN tăng 4%, MSN tăng 7%…
Các nhóm ngành khác đều có mức tăng tốt như công nghiệp tăng 1,9% vốn hóa, công nghệ thông tin tăng 1,7% vốn hóa, tiện ích cộng đồng tăng 1,1% vốn hóa... Ở chiều ngược lại, chỉ có nhóm dầu khí giảm nhẹ 0,8%.
Thực tế tuần qua, các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh
Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khá trầm lắng trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, song đà tăng mạnh từ đầu tuần đã giúp Phố Wall khép lại tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 4/2020.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,2%, xuống 28.323,4 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm nhẹ 0,1%, xuống 3.509,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite “nhích” nhẹ 0,1%, lên 11.895,23 điểm.
Năng lượng và tài chính là hai lĩnh vực rớt giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, với mức giảm lần lượt là 2,1% và 0,8%. Trong khi đó, cổ phiếu của UnitedHealth với mức giảm gần 2% đã ảnh hưởng đến Dow Jones.
Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Phố Wall vẫn ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Cả S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 7,3% và 9% trong tuần qua, trong khi Dow Jones tăng 6,9%. Ngoài ra, S&P 500 còn ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong tuần bầu cử kể từ năm 1932.
Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sáng 8/11, ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Joe Biden đã có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua có nhiều điều khác biệt nhất trong lịch sử nước này.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 6/11, trong khi giới đầu tư vẫn lạc quan vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế.
Chứng khoán Nhật Bản phiên này đạt mức cao nhất kể từ năm 1991 bất chấp những bất ổn xung quanh bầu cử Tổng thống Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,91% (219,95 điểm) khép phiên ở mức 24.325,23 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục chuỗi tăng điểm sang phiên thứ năm liên tiếp. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul tiến 0,11% (2,71 điểm) lên 2.416,5 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Taipei, Jakarta, Mumbai và Manila cũng lên điểm trong phiên này.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có sự phân hóa, với chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ và kết thúc tuần tăng ấn tượng trong nốt thăng.
Chỉ số Hang Seng tiến 0,07% (17,05 điểm) lên 25.712,97 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải lùi 0,24% (7,97 điểm) xuống 3.212,16 điểm.
Chứng khoán Singapore và Bangkok cũng đi xuống trong phiên này.