Ngành tài chính giảm mạnh cuối phiên, VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ

Sau kì nghỉ lễ dài ngày, thị trường chứng khoán (TTCK) quay trở lại với tâm trạng “uể oải”, giao dịch ảm đạm, thanh khoản thấp. Càng về cuối phiên, thị trường càng tiêu cực khi nhiều nhóm ngành giảm điểm. Đáng chú ý, ngành tài chính giảm mạnh nhất, kéo chỉ số VN-Index giảm sâu.

Chú thích ảnh
Ngành tài chính, chứng khoán giảm mạnh nhất trong phiên chiều ngày 4/5. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh ngành tài chính, chứng khoán, nhóm ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, sản xuất nhựa – hóa chất cũng giảm mạnh. Trong đó, nhóm ngành chứng khoán giảm 3,66%, ngân hàng giảm 2,10%, sản xuất nhựa – hóa chất giảm 2,95%, vật liệu xây dựng giảm 2,53%, bất động sản giảm 1,67%...

Chốt phiên chiều ngày 4/5, chỉ số VN-Index giảm hơn 18,12 điểm, xuống còn 1.348,68 điểm; HNX-Index giảm 4,86 điểm, xuống còn 360,97 điểm. Top 10 cổ phiếu giảm mạnh khiến thị trường giảm hơn 10,7 điểm phải kể đến là TCB, HPG, VCB, MSN, VPB, VIB, CTG, VNM, MBB, GVR.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 639 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch trên 16.811 tỷ đồng với hơn 500 mã giảm, 727 mã đứng giá và gần 40 mã tăng giá.

Trước đó, trong phiên sáng, giá trị giao dịch đối với toàn nhóm VN30 chỉ xấp xỉ 2,5 ngàn tỷ đồng. Chỉ số này sụt mất 13,09 điểm trong phiên sáng trước áp lực đến từ ngành ngân hàng và bất động sản. Trong khi đó, các mã vốn hóa lớn trong ngành tiện ích năng lượng như POW (+6,8%), GAS (+3%), PLX (+2,1%) lại xanh chín và giải tỏa bớt một phần áp lực cho chỉ số.

Các chỉ số đại diện đều giảm điểm nhưng vẫn có sắc xanh tại một số khu vực, nhóm ngành như thủy sản (VHC, IDI, ANV, FMC…), tiện ích (GAS, POW, BWE…), khai khoáng (PVS, PVD, PVC…), vận tải (HVN, GMD, TMS…). Điều này đồng nghĩa, thị trường vẫn đang diễn biến phân hóa mạnh chứ không tiêu cực một cách đồng bộ. Tuy nhiên, các ngành tăng giá lại chiếm tỷ trọng vốn hóa nhỏ nên không đủ để làm trụ lực cho toàn thị trường.

Trên tổng thể tam sàn, khối ngoại bán ròng nhưng với giá trị không lớn (127,8 tỷ đồng) vào sáng 4/5, dàn đều khắp các cổ phiếu. Tuy nhiên, đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đáng kể cổ phiếu HPG (42 tỷ đồng).

Chú thích ảnh
Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên chiều ngày 4/5. Ảnh chụp màn hình

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, thị trường đang có những phiên hồi phục tích cực sau đà giảm kéo dài, nhưng để nhận định thị trường đã tạo đáy và tiếp tục đi lên trong thời gian sắp tới có lẽ là hơi sớm.

Hiện VN-Index đã đánh mất các vùng hỗ trợ quan trọng, trong khi áp lực bán tại vùng cao vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, phải có một lượng cầu đủ lớn để hấp thụ hết lượng hàng bán ra mới có thể khiến chỉ số tìm lại xu hướng tăng. Tuy nhiên, các phiên gần đây lại cho thấy dòng tiền bắt đáy đã không còn dồi dào như trước, thanh khoản trung bình tuần này chỉ đạt khoảng 18.000 tỷ, thấp hơn gần 25% so với 3 tuần trước đó.

Trong khi đó, theo ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí (PSI), việc thanh khoản "biến mất" có thể được xem là diễn biến bình thường trong nhịp hồi phục kỹ thuật của thị trường sau một chuỗi giảm điểm sâu. Theo đó, các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng và hoài nghi hơn, bên bán thì chán không muốn bán sau khi cổ phiếu đã rơi sâu kể từ đỉnh, bên mua thì lo ngại không muốn mua đuổi giá cao. Tiết cung cùng lực cầu không còn lớn và thận trọng hơn sau khi hàng loạt nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị bán giải chấp đã dẫn đến thanh khoản dường như "mất hút" trên thị trường tuần vừa qua.

Ngoài ra, thị trường tuần qua đứng trước một kì nghỉ lễ dài, các nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng hơn trong giao dịch nhằm phòng ngừa rủi ro thông tin. Thị trường đang trong giai đoạn thận trọng với dòng tiền phân hóa mạnh, chỉ số VN-Index sẽ cần nhiều hơn những phiên kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ trước khi dòng tiền có thể yên tâm quay trở lại.

Theo đó, ông Tô Quốc Bảo dự báo, thanh khoản khó mà tăng mạnh trở lại được. Trong tháng 5, giá trị giao dịch khớp lệnh của HOSE khó xác lập mặt bằng trên 20.000 tỷ/phiên trở lại. Mặt khác, nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn đang chịu áp lực bán khá mạnh, trong khi bên mua tỏ ra chưa sẵn sàng càng khiến các mã không thể có động lực bứt phá.

Hiện tại, mặt bằng định giá P/E của thị trường đang rơi vào khoảng 14,x là mức khá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022. Ông Tô Quốc Bảo khuyến cáo, sau những đợt điều chỉnh mạnh này, dòng tiền thường có xu hướng thận trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu. Thay vì chọn "ăn xổi" nhóm cổ phiếu đầu cơ vốn hoá vừa và nhỏ, nhà đầu tư có thể chọn "ăn chắc, mặc bền" với nhóm cổ phiếu đầu ngành có vốn hoá lớn và tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tạo niềm tin, thêm sức hút phát triển mạnh thị trường chứng khoán
Tạo niềm tin, thêm sức hút phát triển mạnh thị trường chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam biến động mạnh sau khi cơ quan quản lý và các cơ quan chức năng có những động thái quyết liệt trong xử lý các sai phạm, thanh lọc thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN