Ồ ạt mở rộng chi nhánh
Mới đây, ngày 6/8, Ngân hàng TNHH United Overseas Bank (UOB) đã thông báo thành lập ngân hàng con UOB Việt Nam. Đây là ngân hàng Singapore đầu tiên được cấp phép để thành lập ngân hàng con có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau gần 23 năm (18/7/1995) hoạt động dưới hình thức chi nhánh.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng UOB, cho biết: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là một thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Việc đầu tư vào ngân hàng con sẽ giúp UOB tại Việt Nam củng cố và mở rộng hoạt động tài chính dài hạn của các khách hàng trong khu vực cũng như người tiêu dùng Việt Nam”.
Cụ thể, ngay sau khi thành lập ngân hàng con, ngày 9/8, UOB đã tiến hành ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Liên doanh VSIP. Việc hợp tác này nhằm kêu gọi và tạo thuận lợi cho dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào thị trường Việt Nam cũng như tại các thị trường khác trong khối Asean.
Trước đó ngày 2/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Public Việt Nam. Theo đó, dự kiến ngân hàng này sẽ mở thêm 3 chi nhánh và 2 phòng giao dịch (PGD) nữa, giúp mạng lưới hoạt động của mình tăng lên 18 chi nhánh, PGD tại các tỉnh, thành phố chính của Việt Nam.
Trước Public Bank, nhiều ngân hàng ngoại khác cũng có động thái tương tự. Chẳng hạn, Woori Bank Việt Nam cũng đã được NHNN chấp thuận mở thêm 5 chi nhánh và 1 PGD mới, chủ yếu tại các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương.
Hồi giữa tháng 5/2018, Shinhan Bank Việt Nam đã chính thức khai trương 4 chi nhánh và PGD mới tại 2 thành phố lớn nhất nước, giúp nâng tổng số điểm giao dịch lên 30 trên toàn quốc, giữ vững vị trí ngân hàng nước ngoài có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, nhiều ngân hàng nước ngoài khác cũng rót thêm vốn cho các chi nhánh ở Việt Nam. Cụ thể như trung tuần tháng 5/2018, ngân hàng NongHuyp - Chi nhánh Hà Nội và Bank of China (Hong Kong) - chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép thay đổi mức vốn. Theo đó, NongHyup - chi nhánh Hà Nội được tăng vốn lên gấp 2,28 lần, từ 35 triệu USD lên tới 80 triệu USD. Bank of China - chi nhánh TP.HCM cũng được tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD.
Không chỉ gia tăng điểm giao dịch, bổ sung thêm vốn, một số ngân hàng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng gia hạn thời hạn hoạt động. Ngân hàng DBS tại Hà Nội, Công ty JCB International (Thailand) Company Limited tại Hà Nội đều xin gia hạn thêm 5 năm hồi tháng 3 và 4 vừa qua.
Nhiều sức ép cạnh tranh
Tính đến nay, số ngân hàng ngoại có mặt tại Việt Nam, kể cả các ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh và phòng đại diện có khoảng hơn 60 ngân hàng. Trong đó, ngân hàng đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn, tiếp đến là các ngân hàng đến từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Mỹ, Canada, Singapore, Ấn Độ, Pháp, Malaysia…
Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các ngân hàng ngoại nhận thấy rằng, Việt Nam đang trên đà hội nhập và cũng là thành viên của thị trường ngân hàng quốc tế, cho nên họ kỳ vọng về lợi nhuận và muốn mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động tại Việt Nam. Do đó, con số ngân hàng ngoại này sẽ không dừng ở đây mà sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, các ngân hàng ngoại đang hoạt động và có xu hướng mở rộng mạng lưới tại Việt Nam cũng là các ngân hàng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp của đất nước họ. Khi những doanh nghiệp đó làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì các ngân hàng ngoại cũng “theo chân” để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn tại đây.
Thực tế tháng 5 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng Exim Thái Lan đã có cuộc gặp gỡ với đại diện NHNN Việt Nam bày tỏ mong muốn bước chân vào thị trường bằng việc mở văn phòng đại diện tại đây.
Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều ngân hàng ngoại. Báo cáo kinh doanh năm 2017 cũng chỉ rõ, đã có nhiều ngân hàng ngoại trong 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam có kết quả vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng nội có cùng quy mô về vốn, tổng tài sản.
Trong khi đó, số lượng ngân hàng nội tại Việt Nam chiếm khoảng 35 ngân hàng (không tính các chi nhánh, PGD), nhưng phần lớn nội lực các ngân hàng này vẫn yếu. Đây thực sự là sức ép cho các ngân hàng nội trong thời kỳ hội nhập.
Điều này minh chứng, đã có nhiều ngân hàng nội tuy đã mời gọi được vốn nước ngoài đầu tư làm cổ đông, thế nhưng vài năm sau các cổ đông này xin rút vốn. Nguyên nhân chủ yếu là đặc điểm kinh doanh và "khẩu vị" rủi ro khác nhau, cách nhìn và định hướng của ngân hàng nội và ngoại cũng khác nhau.
Chính vì vậy, việc nâng cao chuẩn Basel II tại các Ngân hàng thương mại (NHTM) được NHNN đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị ngang bằng quốc tế cũng như tạo nhiều sức hút để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để có thể giữ vững thị trường trong nước và đủ sức “sánh vai” với các ngân hàng nước ngoài, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng trong nước buộc phải cải tiến chất lượng, thay đổi phương thức hoạt động để có đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ có động thái hạn chế hoặc có thể không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài, tuy nhiên vẫn khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua lại các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh cũng như sức mạnh cho các ngân hàng nội trong thời hội nhập.