Ngân hàng lãi nhờ giảm chi phí
Theo công bố của SeABank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2020 của ngân hàng này đạt 1.131 tỷ đồng, tăng gần 66% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2020. Các chỉ số kinh doanh khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: Tổng tài sản 167.426 tỷ đồng, tăng 6,37%; tiền gửi khách hàng đạt hơn 102.500 tỷ đồng, tăng 7,12%; cho vay khách hàng đạt 97.871 tỷ đồng.
Tại Techcombank, trong 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 10,7 nghìn tỷ và doanh thu đạt 19,3 nghìn tỷ; tăng lần lượt 20,9% và 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner nói: “Vị thế vốn của Techcombank cho phép chúng tôi hỗ trợ khách hàng và vững bước vượt qua thách thức từ môi trường hoạt động năm nay. Khi đánh giá triển vọng cuối năm 2020 và trong tương lai, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng tác động của COVID-19 đã qua đỉnh điểm. Thành công được kiểm chứng từ quyết sách sẵn sàng của Chính phủ cùng với kinh nghiệm của các doanh nghiệp cũng như cộng đồng sẽ giúp Techcombank quản trị và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế gặp khó”.
Theo ABBank, mặc dù kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19, hoạt động của ABBank vẫn giữ ổn định và an toàn; đồng thời ngân hàng vẫn cung cấp nhiều gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể: Dư nợ tín dụng đạt 59.139 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4% với đầu năm. Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 27.326 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và tăng 18% so với cùng kỳ 2019; dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ vừa vừa đạt 14.322 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm 2020 và ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ 2019. Huy động từ khách hàng đến cuối quý 3/2020 đạt 73.493 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Lê Hải - Tổng Giám đốc ABBank, ABBank sẽ kiên trì đẩy mạnh nhiều giải pháp kích cầu, phát triển các sản phẩm chủ lực hướng đến nhóm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hàng loạt chương trình hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang dành nguồn ngân sách lớn nhằm đầu tư cho hạ tầng công nghệ, số hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng để phục vụ nhanh chóng hơn, an toàn hơn cho khách hàng.
Không chỉ các ngân hàng trên báo lãi mà lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 2 chữ số có với cùng kỳ gồm có ACB tăng 15,3%; VPBank tăng 30,5%; NCB tăng 20,1%; VIB tăng 38,1%; TPB tăng 25,7%; MSB tăng 56,6%; SeaBank tăng 65,8%. Các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn gồm MBBank tăng 6,8%; LienVietPostBank tăng 6,4%. Mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 18 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính khoảng 10%.
Nợ xấu tăng do COVID-19 và hiến kế giải pháp
Nợ xấu trong 9 tháng năm nay của hầu hết các ngân hàng cũng bắt đầu tăng nhanh. Cụ thể tại Vietcombank, nợ xấu tăng 36% so với đầu năm, đạt gần 7.885 tỷ đồng; còn ở VPBank, tổng nợ xấu đến cuối quý 3/2020 là 10.147 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nợ xấu của ABBank được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019. Chỉ riêng có 2 ngân hàng gồm SeaBank và NCB có nợ xấu giảm. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9/2020 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng. Còn tại SeaBank, nợ xấu là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống 2,23%, đảm bảo thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
“Hiện, Techcombank tiếp tục chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của 9 tháng năm 2020 tăng lên mức 2,2 nghìn tỷ đồng so với mức 605 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục thể hiện sự thận trọng của ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu”, đại diện Techcombank nói.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả khả quan nhờ cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không quá phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng. “Tuy nhiên, nợ xấu tăng, các khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng trong các quý tới”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Mới đây, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng. “Tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Cụ thể: Luỹ kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 312,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu (XLNX) nội bảng là 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 74,9 nghìn tỷ đồng; các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, đã xử lý được 69,5 nghìn tỷ đồng.
“Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và chưa thể biết thời điểm nào mới kết thúc. Nếu trong thời gian tới, dịch tiếp tục phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên. NHNN đã giao các Vụ, Cục chức năng có những đánh giá, dự báo, phân tích và đưa ra các biện pháp để có thể ứng phó tình hình, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng - TCTD cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần phải giải quyết đó là nợ xấu do tác động của COVID-19. Đối với XLNX, các ngân hàng vẫn phải tích cực đi đòi nợ, phát mại tài sản, nhưng giá trị thu hồi chắc sẽ không cao vì giá bất động sản trên thị trường giảm. Ngoài ra, những vướng mắc tại Nghị quyết 42 đang gây khó khăn trong XLNX cần sớm được giải quyết. Chẳng hạn, quy định về việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ.
“Theo tôi, nên miễn thuế cho các ngân hàng khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Bởi khi thanh lý TSBĐ nhiều trường hợp số tiền bán không đủ thu hồi nợ cho ngân hàng mà lại vẫn phải nộp thuế gây khó khăn cho ngân hàng, lỗ chồng lỗ... Nhưng để giải quyết hết các khúc mắc liên quan đến Nghị quyết 42, theo tôi, nên nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định mới về XLNX đưa vào Luật Các TCTD. Khi đó tính hiệu lực của các quy định mới cao, các đơn vị có liên quan mới thực thi nghiêm túc”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Còn TS Châu Đình Linh - chuyên gia ngân hàng cho hay: Song song với xử lý nợ cũ tồn đọng, để giảm sức ép nợ xấu trong thời gian tới, các ngân hàng phải tăng hoạt động kiểm soát rủi ro, quản trị rủi ro đối với danh mục tín dụng đang có và sẽ có trong thời gian tới. Hiện, các ngân hàng cũng rất thận trọng trong cấp tín dụng do lo ngại tình trạng nợ xấu gia tăng. Giải pháp nữa, các ngân hàng đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận từ dịch vụ, hoạt động kinh doanh khác thay vì tập trung nhiều vào mảng tín dụng để kiểm soát rủi ro tốt hơn.