Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", chiều ngày 14/6, hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên; trong đó, phiên 1 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng" với các tham luận tập trung vào việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - giải pháp ngăn ngừa; rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.
Phiên 2 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân" với các nội dung tham luận tập trung: Ứng dụng Al để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến; giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng.
Giao dịch không tiền mặt đã rất phổ biến
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ cho biết, đây là năm thứ 6 chương trình "Ngày không tiền mặt - 16/6" được tổ chức. Đến nay, chương trình đã truyền tải, lan tỏa thông điệp và mang lại giá trị tích cực trong việc thay đổi hành vi thanh toán của toàn xã hội, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng, các phương thức, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của cả người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Có thể thấy, từ những nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đến các cửa hàng bán lẻ, người bán hàng vỉa hè bình dân, thậm chí cả những bác xe ôm cũng in mã QR để khách “quét, chạm”. Lý do đơn giản vì nó tiện dụng và thực sự tiện ích.
Đặc biệt, chương trình "Ngày không tiền mặt” cũng đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án, như: Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của đơn vị tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, "Ngày không tiền mặt" đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của thành phố.
Tại TP Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, Thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xác định, giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Từ năm 2020 đến nay, Thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.
Đến nay, 100% bệnh viện công của TP Hồ Chí Minh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
Đại diện NHNN cũng cho biết, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.
Đến hết 2023, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.
Nâng cao cảnh giác khi TTKDTM
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ TTKDTM, ngành Ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu đồng nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Trong năm 2023, A05 - Bộ Công an đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu. Trong đó, có hàng chục nghìn tài liệu nội bộ, 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. A05 đã phối hợp với công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm lợi dụng thanh toán không tiền mặt để lừa đảo.
Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động TTKDTM, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
Trong 5 năm qua, NHNN đã có hơn 90 lượt văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin các đơn vị trong ngành, trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho toàn thể nhân viên khách hàng của ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự truyền hình hoặc tổ chức các chương trình, sự kiện trong đó có nội dung phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, để nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: Tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực bảo vệ khách hàng, phòng chống lừa đảo, gian lận trong hoạt động ngân hàng.
Song song đó, NHNN cũng triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại kế hoạch chuyển đối số ngành Ngân hàng (Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021); kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06/QĐ-TTg. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, vai trò của người đứng đầu phải có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực phụ trách.
Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tăng cường hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin.
Bên cạnh thảo luận chuyên đề, hội thảo còn có các hoạt động bên lề khác nhau như: Lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.
Ngay sau hội thảo, sẽ khai mạc Lễ hội "Ngày không tiền mặt 2024", chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024, chào đón người dân, du khách đến trải nghiệm lễ hội tưng bừng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR code tăng trưởng nhanh, đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile.
Số liệu tổng hợp 4 tháng đầu năm 2024, TTKDTM đạt khoảng 4,9 tỷ giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 87 triệu tỷ đồng (tăng 57,11% về số lượng và 33,45% về giá trị). Trong đó, giao dịch qua kênh Internet đạt hơn 916,7 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 22,5 triệu tỷ đồng (tăng 47,48% về số lượng và 30,03% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3,4 tỷ giao dịch với giá trị hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị); đặc biệt thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 101,2 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 126,8 nghìn tỷ đồng (tăng 167,2% về số lượng và hơn 424,5% về giá trị).