Kết thúc phiên này tại New York, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 0,14 USD (0,2%) so với mức đóng phiên trước đó, xuống 67,83 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) sụt giảm 0,53 USD (0,9%) xuống 59,41 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng khoảng 2,8 triệu thùng/ngày, trái ngược với dự đoán giảm 1,2 triệu thùng/ngày của các nhà phân tích.
Cùng theo EIA, xuất khẩu dầu thô đã giảm 506.000 thùng/ngày.
Đáng chú ý là việc hoạt động xuất khẩu của Venezuela bị gián đoạn cũng đã giúp hạn chế phần nào sự sụt giảm của giá dầu.
Giá dầu đã phục hồi gần 30% từ mức thấp của năm 2018, nhờ động thái cắt giảm sản lượng để kiềm chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt khác, cộng với lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu của Venezuela và Iran.
Sản lượng dầu từ Nga, đồng minh lớn nhất không phải thành viên của OPEC, đạt mức trung bình 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3, so với mức 11,34 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay nước này có kế hoạch đẩy mạnh cắt giảm sản lượng dầu thô.