Mới đây nhất, BIDV công bố giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu; đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp với tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, BIDV giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như: Giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort….
VietinBank tiếp tục bổ sung 20.000 tỷ lãi suất ưu đãi, nâng tổng quy mô gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 lên tới 150.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng tiếp tục bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1,0%/năm đồng loạt đối với các khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đại diện Vietcombank cho biết: Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền vay từ 18/8 đến hết 31/12 đối với các doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội. Theo đó, giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội.
“Đặc biệt, nếu đáp ứng điều kiện, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo Chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo Chính sách hỗ trợ lần này”, đại diện Vietcombank cho biết.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kienlongbank vừa triển khai giảm lãi vay lên đến 1,5%. Theo đó, các khách hàng đang quan hệ tín dụng tại Kienlongbank bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch COVID-19 đạt được các điều kiện của chương trình, sẽ được giảm tối đa 1,5%/năm lãi suất vay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Agribank đã giải ngân khoảng 116.000 tỷ đồng và 122 triệu USD cho vay ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; trong đó, với gói tín dụng ưu đãi 200.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đến ngày 31/7/2021 đạt trên 102.000 tỷ đồng với khoảng 9.000 khách hàng.
Đây là chương trình ưu đãi tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được triển khai ngay từ tháng 4/2020 với quy mô 100.000 tỷ đồng, sau đó được nâng lên gấp đôi là 200.000 tỷ đồng từ tháng 6/2021. Chương trình hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn từ 2-2,5% so với cho vay thông thường, đồng nghĩa với việc khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng TS Lê Xuân Nghĩa, thời gian qua, các ngân hàng đã tiết giảm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các ngân hàng cắt giảm thêm 20.300 tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng.
“Dự báo từ nay tới cuối năm, lãi suất huy động sẽ tạm thời duy trì ở mức hiện tại hoặc có thể tăng nhẹ. Giả sử lạm phát được kiểm soát ở mục tiêu 4%/năm trong khi lãi suất tiền gửi hiện bình quân khoảng 5%/năm, lãi suất thực dương chỉ là 1%/năm. Vì vậy, ngân hàng khó có thể giảm thêm được lãi suất huy động. Nếu thế lãi suất thực âm người dân không gửi tiền nữa, ngân hàng sẽ rơi vào bẫy thanh khoản. Muốn ngân hàng giảm sâu lãi suất cho vay, ngân hàng phải giảm cả lãi suất huy động”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Một số chuyên gia ngân hàng chia sẻ: Hiện các ngân hàng khó tiết giảm thêm chi phí để giảm thêm lãi suất do tiến độ số hoá chưa đạt được như kỳ vọng nên chưa thể tiết kiệm nhiều chi phí về nhân lực; nợ xấu tiềm ẩn còn rất lớn nên ngân hàng cần có nguồn lực để trích lập dự phòng. Hơn thế, khoản cho vay cũ chưa thu được còn đang kẹt ở nợ xấu, ngân hàng lại phải huy động thêm vốn để cho vay.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, lãi suất không phải là điểm nghẽn của doanh nghiệp. Chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. “Nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay dẫn tới hệ lụy là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì không có đầu ra”, ông Cấn Văn Lực cho biết.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN.
Một trong những điểm chú ý được đề cập trong dự thảo lần này là NHNN sẽ cho phép tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và lãi của khoản nợ (gồm các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện:
Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính tại 2 Thông tư cũ).
Thứ hai, số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (theo Thông tư 03 hiện hành là kéo dài đến 31/12/2021). Như vậy, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được thêm 6 tháng. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm một trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được gia hạn đến 30/6/2022 (thay vì 31/12/2021).