Đáng chú ý, giá dầu lao dốc kết thúc chuỗi tăng ba phiên trước đó và đi xuống mức thấp nhất trong khoảng 5 tháng qua nguyên nhân do lạm phát Mỹ tăng trở lại. Trong khi đó, giá cà phê lên đáng kể bởi tồn kho Robusta trên Sở ICE ở mức thấp và lo ngại thời tiết nắng nóng tại Brazil có thể ảnh hưởng lớn đến sản lượng mùa vụ.
Giá dầu lao dốc sau dữ liệu lạm phát Mỹ
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá dầu lại lao dốc, xóa bỏ hoàn toàn mức tăng trong ba phiên liên tiếp trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6. Dữ liệu lạm phát Mỹ tăng trở lại trong tháng 11, làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất trong quý đầu năm sau. Tâm lý này đã kéo giá dầu giảm mạnh, bên cạnh lo ngại về nhu cầu suy giảm trong năm sau do bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu.
Cụ thể, dầu WTI giảm 3,8% xuống 68,61 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên tại 73,24 USD/thùng, đánh mất 3,67% giá trị so với phiên trước đó.
Báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 bất ngờ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 0,1% so với tháng trước, sau khi giữ nguyên vào tháng 10. Con số này khá phù hợp với dự báo của thị trường.
Chi phí thuê nhà cao đã đẩy lạm phát Mỹ tăng so với tháng trước. Điều này khiến cho kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED có thể sẽ xảy ra sớm như thị trường mong đợi. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, 42% ý kiến cho rằng FED sẽ hạ 25 điểm cơ bản lãi suất vào tháng 3 năm sau. Con số này giảm 10% so với tuần trước.
Giá dầu lao dốc ngay sau khi dữ liệu được công bố, do chi phí vay cao trong thời gian dài hơn đè nặng lên triển vọng tăng trưởng.
Trong Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 12, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2024 thêm 10 USD/thùng, xuống 83 USD/thùng so với báo cáo tháng trước. Cơ quan này cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 xuống còn 1,3%, từ mức 1,5% trong báo cáo tháng 11.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong năm 2024 cũng được EIA điều chỉnh giảm 100.000 thùng/ngày xuống còn 102,34 triệu thùng/ngày. Sự điều chỉnh này chủ yếu diễn ra ở hai quý cuối năm trong khi hai quý đầu năm không nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, EIA cho rằng áp lực từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng cho tới quý I năm sau sẽ khiến giá dầu tăng mạnh trong giai đoạn này và đạt mức đỉnh 2024 với 86 USD/thùng trong tháng 3, trước khi suy yếu trở lại trong các tháng cuối năm.
Tình trạng nguồn cung dồi dào từ Nga cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường. Nga đã xuất khẩu trung bình 3,76 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 10/1, tăng mạnh gần 1 triệu thùng/ngày so với một tuần trước đó khi các cảng lớn khôi phục sau ảnh hưởng của bão. Dữ liệu ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 7, bất chấp cam kết cắt giảm xuất khẩu tự nguyện.
Ngoài ra, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tiếp tục tăng cao lần lượt 5,8 triệu thùng và 0,28 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/12. Điều này phản ánh nhu cầu nhiên liệu vẫn ở mức thấp, làm gia tăng sức ép lên giá dầu.
Giá cà phê tăng vọt do lo ngại nguồn cung Brazil bị thời tiết đe dọa
Hôm qua, giá cà phê tăng lần lượt 3,89% với Robusta và 0,62% với Arabica. Tồn kho Robusta trên Sở ICE ở mức thấp và lo ngại nắng nóng ảnh hưởng đến sản lượng tại Brazil đã tạo hỗ trợ kép lên giá.
Trong báo cáo kết phiên 10/12, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU ở mức 34.760 tấn, dần quay về mức thấp nhất lịch sử vào cuối tháng 8/2023, với 33.630 tấn. Đồng thời, dữ liệu từ Hải quan cho thấy, lũy kế xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, lo ngại nắng nóng lan rộng sang vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể làm giảm sản lượng cà phê trong niên vụ 2024/25 cũng góp phần thúc đẩy giá tăng.
Đà tăng của Arabica có phần chững hơn so với Robusta khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm khoảng 1.000 bao, đưa tổng lượng cà phê đang lưu trữ tạm thoát khỏi mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Và, dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê (CECAFE) cho thấy, xuất khẩu cà phê dạng hạt trong tháng 11 tại quốc gia này vẫn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giá đường 11 có phiên biến động mạnh khi giá đã có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 7 tháng nhưng đóng cửa lại tăng 0,53% so với tham chiếu. Sản lượng đường lớn tại Brazil đã gây sức ép lên giá.
Tập đoàn công nghiệp Mía đường UNICA cho biết, khu vực Trung Nam, vùng sản xuất cà phê chính của Brazil đã sản xuất được 1,4 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 11, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, lực bán khống của giới đầu cơ đã nhanh chóng kéo giá hồi lại.
Giá bông giảm hơn 1% trong phiên hôm qua do áp lực từ giá dầu và lo ngại nhu cầu bông ở mức thấp.
Giá dầu thô WTI giảm 3,8%, khiến giá Polyester, chất thay thế chính của bông rẻ hơn. Điều này cũng kéo theo giá bông đi xuống. Bên cạnh đó, lo ngại về nhu cầu bông Mỹ thấp, đặc biệt là từ phía bạn hàng lớn Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên giá.
Giá dầu cọ thô tiếp tục có một phiên ít thay đổi khi giá chỉ giảm nhẹ 0,16% so với tham chiếu.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (13/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 63.000 - 63.800 đồng/kg, tăng mạnh so với ngày hôm qua. Hai phiên đầu tuần đẩy thị trường trong nước tăng hơn 3.000 đồng/kg.