Saudi Arabia đã quyết định kéo dài đến hết năm nay kế hoạch giảm 1 triệu thùng/ngày mà ban đầu chỉ định áp dụng trong tháng Bảy. Cùng với đó là lượng dầu xuất khẩu thấp hơn từ Nga.
Công ty Rystad Energy A/S ước tính các động thái trên sẽ khiến thị trường dầu thâm hụt khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất khiến người tiêu dùng lo ngại, mà điều quan trọng hơn là Saudi Arabia và Nga sẽ còn mạnh tay hơn trong việc thúc đẩy giá dầu.
Saudi Arabia siết chặt nguồn cung trong bối cảnh hoạt động tiêu thụ dầu đang tăng mạnh. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu. Ngay tháng sau đó, Saudi Arabia đã giảm sản lượng xuống mức thấp nhất hai năm qua là khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Nga chưa bằng 1/3 mức cắt giảm của Saudi Arabia và chỉ áp dụng với lượng dầu xuất khẩu chứ không phải sản lượng. Nhưng tác động cộng hưởng của hai động thái này đã khiến lượng dầu dự trữ giảm xuống để đáp ứng nhu cầu, và từ đó đẩy giá dầu đi lên. Kể từ ngày 1/7, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng khoảng 20%. Giá dầu diesel ở New York cũng tăng hơn 30%.
Giá nhiên liệu tăng mạnh trong mùa Hè này đã giúp Nga gia tăng nguồn thu và Saudi Arabia có thêm tiền cho các ưu tiên đầu tư của mình. Nhưng diễn biến này đã đe dọa nền kinh tế toàn cầu với khả năng quay trở lại của lạm phát, yếu tố có thể chuyển hướng kế hoạch kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Vậy, đà tăng này của giá dầu có khả năng bị hạn chế hay không? Khi công bố việc gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng nói trên, Saudi Arabia cho biết sẽ đánh giá lại quyết định này hàng tháng và có thể tăng sản lượng nếu cần thiết. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng Saudi Arabia sẽ không thay đổi quyết định trong năm nay.
Có nhiều khả năng nguồn cung gia tăng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nhưng các tiềm năng này đều gặp nhiều trở ngại. Iraq có thể tăng sản lượng thêm 400.000 - 500.000 thùng/ngày nếu nước này giải quyết được bất đồng với vùng Kurdistan và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề đã khiến một đường ống xuất khẩu quan trọng ngừng hoạt động. Nhưng sau sáu tháng đàm phán, các bên vẫn chưa tìm được giải pháp.
Iran đang gia tăng sản lượng khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có dấu hiệu nới lỏng, nhưng lượng dầu xuất khẩu của nước này có thể đã đạt đỉnh cho năm nay.
Ngoài ra, Mỹ cũng có một công cụ tiềm năng để hạn chế giá dầu, đó là Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR). Lượng dầu của kho SPR đã giảm mạnh trong năm ngoái với việc giải phóng khoảng 180 triệu thùng. Nhưng khi giá dầu thô giảm trong năm nay, Mỹ đã bắt đầu bổ sung lại kho dự trữ này, và có thể phải mất vài năm kế hoạch làm đầy trở lại kho SPR hiện tại mới hoàn tất.