Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán

Sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên sụt giảm điểm mạnh trong thời gian gần đây.

Đã có thời điểm khối ngoại bán ra liên tục và đã có những tác động tâm lý đến diễn biến trên toàn thị trường. Tuy nhiên, thực tế việc dòng vốn ngoại ra vào các thị trường mới nổi là chuyện không mới nhưng tác động của nó ở mỗi thị trường sẽ là khác nhau bởi liên quan đến các yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Vậy diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua được lý giải ra sao và triển vọng thị trường thời gian tới được nhận định theo xu hướng nào?

Xoay quanh câu chuyện này phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc công ty VFM.

Giao dịch chứng khoán tại Sàn Maybank KimEng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một thời gian tăng trưởng rất nóng đó là khoảng thời gian từ đầu năm cho tới tháng 4/2018. Với điểm số của Vn-index vào cuối tháng 12/2017 là 968 điểm và thị trường đã đạt đỉnh vào 9/4/2018 với 1204 điểm, tương đương với mức tăng trưởng trên 22 %.

Sau đó thị trường đã có một giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ với mức giảm điểm lên đến 175 điểm. Lần điều chỉnh này là một biến động mạnh của thị trường nhưng không phải là điều quá bất ngờ và đây là một sự điều chỉnh cần thiết để thị trường có thể có những tăng trưởng mới trong tương lai.

Trong giai đoạn gần đây, thị trường đã có những phiên điều chỉnh mạnh. Vậy đâu là lý do chính của vấn đề này thưa ông ?

Thị trường chủ yếu có tốc độ tăng trưởng quá nhanh, cụ thể là một nhóm cổ phiếu đã được định giá ở mức cao và mức định giá cao này đã đẩy thị trường đi lên. Ở một số cổ phiếu ngân hàng đã được định giá ở mức cao hơn so với mặt bằng chung tương đối nhiều.

Thị trường được định giá cao hơn rất nhiều sẽ dẫn đến sự điều chỉnh mặt bằng chung. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được cả dòng vốn nước ngoài và dòng vốn trong nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là thị trường duy nhất thu hút được dòng vốn nước ngoài. Cụ thể là dòng vốn của nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4/2018 là 65,7 triệu USD.

Bên cạnh đó, dòng tiền các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào các quỹ và mua vào các chứng khoán khác. Sự kết hợp của hai yếu tố là các cổ phiếu định giá cao và vẫn thu hút được các dòng tiền đổ vào thị trường dẫn đến thị trường tăng cao trong thời gian vừa qua.

Những biến động của kinh tế thế giới cũng như những vấn đề về địa chính trị có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam không thưa ông ?

Thị trường chứng khoán Việt Nam có bị tác động nhưng ở mức độ hạn chế. Thực tế thị trường thế giới có một sự biến động tương đối mạnh do các tin liên quan đến việc Mỹ tăng lại suất cơ bản, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh đó có một ngưỡng tâm lý rất lớn với thị trường Mỹ và thị trường tiền tệ thế giới nói chung là việc lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tiếp cận mức 3%. Các chuyên gia cho rằng đây là một ngưỡng tâm lý ảnh hưởng lớn đến các dòng tiền chảy vào thị trường mới nổi.

Qua theo dõi thì có thể thấy dòng tiền chạy vào các thị trường mới nổi đã có sự thay đổi và đến tháng 2/2018 đã có dấu hiệu các dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên ở Việt Nam điều này không xảy ra và vẫn có dòng vốn nước ngoài dương trong bốn tháng đầu năm. Bên cạnh đó, là việc Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài bởi Việt Nam đang có những câu chuyện riêng khác biệt với các nước khác và nó vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Quay trở lại với diễn biến của thị trường thì có thể nhận thấy, trong những giai đoạn trước đây, thị trường cũng đã chịu nhiều cú sốc từ những yếu tố tác động từ bên ngoài. Ông có thể đưa ra một vài ví dụ so sánh để làm rõ hơn về mức độ tác động và sức chịu đựng của thị trường ?

Trong năm năm trở lại đây thì trường chứng khoán Việt Nam thông thường có những đợt điều chỉnh lớn do những tác động từ bên ngoài. Năm 2014 chúng ta có hai đợt điều chỉnh là do biến động ở biển Đông vào tháng 4 và biển động giá dầu trên thế giới vào khoảng tháng 11. Năm 2015 cũng do biến động từ bên ngoài. Năm 2017 là một năm thành công nhưng ở lần điều chỉnh của năm 2018 thì do lỗi tại chúng ta đã đưa thị trường trở nên quá nóng.


Có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các lần điều chỉnh trước so với lần điều chỉnh của năm 2018 đó là những yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam tác động đến thị trường năm 2018 đã được hạn chế rất nhiều. Bởi chúng ta đang có một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cũng như các tiêu chí về về kinh tế, tiêu chí về tăng trưởng mang lại sự ổn định và yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài như là lạm phát, tỷ giá, lãi suất cho vay đều đang ở tình trạng rất tốt .

Lần biến động này là do chính nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam chính vì vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn này rất nhanh. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhìn nhận còn những rủi ro từ bên ngoài, những yếu tố như địa chính trị, rủi ro do giá hàng hóa trên thị trường đều có thể dẫn đến tác động. Tuy nhiên ở thời điểm này thị trường đang giải quyết được vấn đề của tự thân và sẽ không mất nhiều thời gian.

Nhìn vào tổng thể thì ông có thể đưa ra những ‘kịch bản’ nào cho thị trường trong thời gian tới thưa ông?

Thị trường đang trong một giai đoạn điều chỉnh nhưng cũng đang rất gần giai đoạn kết thúc của quá trình điều chỉnh. Sau lần điều chỉnh từ 1.200 điểm về mức khoảng 1.030 điểm trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng 4/2018 . Cùng với đó các tiêu chí P/E đã giảm từ 21,4 lần về mức 18,8 lần. Như vậy những chỉ số định giá này đã rẻ hơn so với các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến nền tảng của thị trường như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, các yếu tố nền tảng cũng như trong bối cảnh Việt Nam đã có những câu chuyện riêng như việc đẩy mạnh cổ phần hóa, IPO và niêm yết mới trên sàn. Cơ hội đưa thị trường chứng khoán Việt Nam gia nhập thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, qua lần điều chỉnh này thị trường có thể có một giai đoạn bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại và đây chính là giai đoạn tốt để có thể duy trì một thị trường ổn định hơn cùng các yếu tố để đưa thị trường tiếp tục tăng trở lại.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh (thực hiện)
Chứng khoán ngày 7/5: Thanh khoản sụt giảm dù thị trường tăng điểm mạnh
Chứng khoán ngày 7/5: Thanh khoản sụt giảm dù thị trường tăng điểm mạnh

Thị trường tăng điểm rất mạnh nhưng thanh khoản vẫn yếu. Tổng khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn đạt hơn 210,2 triệu đơn vị cổ phiếu, tương ứng với giá trị đạt hơn 5.759,7 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN