Theo Chỉ thị số 5465/CT-KBNN mới đây về "thúc" thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, lãnh đạo kho bạc Nhà nước (KBNN) đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong khi giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các đơn vị KBNN cần đối chiếu, xác nhận đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu giải ngân của từng dự án cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại từng thời điểm đảm bảo đúng quy định về tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, để đảm bảo thanh toán kịp thời ngay sau khi có khối lượng hoàn thành theo đúng quy định của Chính phủ; không dồn khối lượng thanh toán vào những ngày cuối năm.
Một nội dung quan trọng khác là yêu cầu KBNN tỉnh tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi đối với các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của KBNN. Chỉ đạo công chức làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.
"Nghiêm cấm công chức làm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án; thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân cố tình vi phạm gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công", lãnh đạo KBNN yêu cầu.
Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2019 Quốc hội phân giao 429.300 tỷ vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao. Tuy nhiên, đến nay, vốn giải ngân vẫn đang rất chậm, thấp hơn 2018. Hết tháng 9/2019, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA. Đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.
Theo Bộ KHĐT, nguyên nhân chậm giải ngân còn là do vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công, một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 2 năm... cần được tháo gỡ. Ngoài ra, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
"Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét", Bộ trưởng Kế hoạch nói.