Phát triển nhanh
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển nhanh. Số lượng và loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường đa dạng hơn so với năm trước, đặc biệt là khối sản xuất cũng đã bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm đạt trên 58.000 tỷ đồng.
Ông Dương cho rằng, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong thời gian vừa qua là hợp lý để giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn trên thị trường vốn, bù đắp vào kênh vay tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước quản lý thận trọng đối với tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng đối với khối doanh nghiệp bất động sản.
Việc phát triển trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động trong xã hội, từng bước giảm sự phụ thuộc vào hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế, sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng khá nhanh trong những năm qua. Năm 2019 tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 280.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2018. Quy mô thị trường tương đương 11,3% GDP 2019, trong khi các con số trong các năm trước lần lượt là 9,01% (năm 2018) và 6,29% (năm 2017).
Tuy tăng trưởng khá nhanh, nhưng ông Quang cho rằng, dư địa phát triển thị trường này vẫn còn nhiều vì kênh trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn có quy mô tương đối nhỏ so với các kênh huy động vốn khác. Ví dụ, quy mô tín dụng ngân hàng cuối 2019 khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương 138% GDP.
Theo nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, các quốc gia trong khu vực Asean +3 (một cơ chế hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) có quy mô thị trường trái phiếu vào khoảng 21,7% GDP, cao hơn con số 11,3% GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất lớn vì quy mô nền kinh tế Việt Nam khá tương đồng so với các nước nói trên.
Sự phát triển của trái phái doanh nghiệp nằm trong định hướng của cơ quan quản lý, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg và Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do thị trường tín dụng ngân hàng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại có xu hướng chuyển dần sang cho vay vốn lưu động ngắn hạn, trái phiếu sẽ trở thành kênh huy động vốn mới dài hạn và ổn định hơn cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) từng nhận định tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019 rằng, năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tiếp tục sôi động, bởi chính sách chung của của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, mục tiêu chung của Việt Nam là giảm tỷ lệ cung cấp vốn thông qua hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế, nên kênh huy động vốn trái phiếu sẽ được nhiều doanh nghiệp tiếp cận. Trong mối tương quan đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một kênh đầu tư tốt cả với nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Theo một báo cáo vào giữa tháng 5/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, trong bối cảnh huy động vốn từ kênh ngân hàng của doanh nghiệp vẫn còn tương đối khó khăn khi gói hỗ trợ tín dụng vẫn còn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp thì kênh trái phiếu được dự báo vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, do đó kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn tương đối khi mức lãi suất ở mức cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có cơ hội hạ lãi suất trái phiếu nhằm giảm chi phí vốn trong thời gian tới.
Vẫn cần bảo vệ nhà đầu tư
Ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin, dù nhà đầu tư có tổ chức vẫn là nhóm đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiếm gần 74%, thế nhưng đã có sự gia tăng rất mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Năm 2019, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) chiếm khoảng 8,8% tổng khối lượng phát hành, con số này trong 4 tháng đầu năm nay đã ở mức 26,8%, đây là mức tăng lớn.
Ông Dương lo ngại, với tình hình trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay và sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có khả năng phân tích tình hình tài chính cũng như là rủi ro của doanh nghiệp sẽ là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Dương Cho biết, mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng khung khổ pháp lý để có thể đảm bảo khuyến khích và điều kiện cho doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường, nhưng cũng phải đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Nam Trần Lê Minh cho biết, ông ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, cũng như Bộ Tài chính là phải kiểm soát chặt quá trình phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành ra công chúng.
Nếu diễn ra tình trạng doanh nghiệp phát hành dưới hình thức riêng lẻ, sau đó đem trái phiếu đó bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân, thì trong dài hạn sẽ gây tổn hại cho thị trường. Cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Giám đốc Khối dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Phạm Thiên Quang cho rằng, trước hết cần nhấn mạnh sự an toàn khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không nằm ở cam kết của người đi vay mà nằm ở khả năng trả nợ đúng hạn của họ. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Nếu không hiểu rõ bản chất, người mua trái phiếu (nhà đầu tư) dễ nhầm lẫn trái phiếu doanh nghiệp là một khoản đầu tư an toàn vì cam kết trả lãi của người đi vay.
Với một nhà đầu tư cá nhân điển hình, việc dành thời gian nghiên cứu các doanh nghiệp đi vay khá khó khăn và không khả thi vì thiếu thông tin đánh giá. Hiện nay thị trường vẫn chưa có các tổ chức định mức tín nhiệm giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá chất lượng trái phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân nên chọn tổ chức trung gian uy tín, đóng vai trò bộ lọc rủi ro cho mình.
Theo ông Quang, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành giúp gia tăng tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành và quy định về sự tham gia của các định chế trung gian như đơn vị tư vấn, đơn vị bảo lãnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường.
Vai trò của định chế trung gian trong bảo vệ nhà đầu tư hiện nay rất lớn vì khả năng tự đánh giá rủi ro của nhà đầu tư cá nhân vẫn hạn chế. Vai trò này thể hiện trong suốt quá trình từ lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín đến thẩm định tài liệu phát hành một cách cẩn trọng, sau đó đưa các thông tin đến nhà đầu tư một cách trung thực và đầy đủ. Vai trò trung gian còn thể hiện ở việc chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp.
Ông Quang nhìn nhận, khung pháp lý hiện hành của Việt Nam tương đối đầy đủ là cơ sở cần thiết để thị trường phát triển. Khuôn khổ pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã được bổ sung và hoàn thiện trong nhiều năm, ngày càng tiếp cận theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng kiến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung quy định về điều kiện, trách nhiệm hoạt động của một số loại tổ chức đặc thù tham gia đợt phát hành trái phiếu gồm: đại lý quản lý tài sản bảo đảm, đại diện người sở hữu trái phiếu; sửa đổi một số quy định trong các văn bản pháp luật để làm rõ hơn vấn đề pháp lý về tài sản bảo đảm cho trái phiếu: được tự do sử dụng các tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, chứng khoán niêm yết làm tài sản bảo đảm phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, mức thuế đối với trái phiếu doanh nghiệp cần thống nhất với mức thuế tiền gửi tiết kiệm như thông lệ các nước khác.