Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 8,67 điểm, hay 0,16%, xuống 5.555,74 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 10,22 điểm, tương ứng 0,06%, xuống 17.997,35 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 57,35 điểm, hay 0,14%, xuống 40.358,09 điểm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn ban đầu đã nâng đỡ thị trường trong phiên này, với cả ba chỉ số chính đều giao dịch ở vùng tăng điểm. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục tăng, với cổ phiếu của Apple, Microsoft, Meta Platforms và Amazon.com đều tăng từ 0,3% đến 2,1%, nhưng đà tăng tổng thể của thị trường đã giảm bớt vào cuối phiên, dẫn đến mức giảm nhẹ vào thời điểm đóng phiên.
Bên cạnh đó, báo cáo thu nhập đáng thất vọng từ các tên tuổi quen thuộc đã kiềm chế đà tăng của thị trường. Cổ phiếu của công ty quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hoá United Parcel Service giảm 12,1% sau khi không đạt được mức dự báo lợi nhuận do nhu cầu giao hàng bưu kiện giảm và chi phí lao động tăng. Cổ phiếu của công ty này đóng cửa ở mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Cổ phiếu của công ty sản xuất ô tô General Motors (Mỹ) cũng giảm 6,4% mặc dù kết quả quý II vượt kỳ vọng và dự báo lợi nhuận cả năm cao hơn, trong khi cổ phiếu Comcast giảm 2,6% sau khi không đạt được dự báo doanh thu.
Cổ phiếu của nhà sản xuất chất bán dẫn NXP Semiconductors (Hà Lan) giảm 7,6% sau khi đưa ra dự báo doanh thu quý III thấp hơn ước tính, kéo chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 1,5%.
Bên cạnh đó, Alphabet và Tesla là những công ty đầu tiên trong nhóm "Magnificent Seven" (bảy công ty công nghệ lớn của Mỹ) báo cáo kết quả sau khi thị trường đóng cửa.
Tesla ghi nhận doanh thu tăng bất ngờ vì bàn giao nhiều xe hơn dự đoán của các nhà phân tích, nhờ các chính sách giảm giá và ưu đãi. Trong khi đó, Alphabet vượt qua dự báo doanh thu nhờ sự gia tăng trong doanh số quảng cáo kỹ thuật số và nhu cầu mạnh mẽ đối với các dịch vụ điện toán đám mây của “ông lớn” này.
Tuy nhiên, trước khi công bố các con số này, cổ phiếu của Tesla giảm 2%, và cổ phiếu của Alphabet chỉ tăng 0,1%.
Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” công nghệ sẽ là yếu tố quyết định liệu đà tăng kỷ lục của năm 2024 có thể được duy trì hay không, hay liệu cổ phiếu Mỹ có đang được định giá quá cao hay không.
Ngoài ra, câu hỏi khác cũng đang được giới đầu tư quan tâm là liệu sự dịch chuyển khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn sang các ngành kém hiệu quả hơn có tiếp tục diễn ra hay không. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng 1% trong phiên này.
Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 22,83 điểm, hay 1,82%, xuống 1.231,81 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 3,78 điểm, hay 1,59%, xuống 234,6 điểm.