Kết quả bầu cử Mỹ tạo lực đẩy giá dầu tăng 

Giá dầu tăng trong phiên chiều ngày 7/11, do lo ngại về kết quả bầu cử Mỹ có thể gây ra rủi ro nguồn cung và cơn bão đang hình thành ở Vịnh Mexico khiến các nhà giao dịch khẩn trương mua vào, thay vì bán ra.

Chú thích ảnh
Các bể chứa tại một cơ sở khai thác dầu ở Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 65 xu Mỹ, tương đương 0,87%, lên mức 75,57 USD/thùng, còn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 54 xu Mỹ, tương đương 0,75%, đạt 72,23 USD/thùng.

Viễn cảnh về một Chính phủ Mỹ mới do ông Donald Trump điều hành đã làm dấy lên sự lo ngại về việc cường quốc số 1 thế giới có thể tăng cấm vận đối với Iran và Venezuela, khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thu hẹp. Trong khi đó, cơn bão Rafael đang tiến đến khu vực Vịnh Mexico đe dọa làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Những lo ngại liên quan tới hai vấn đề này lấn át tác động tiêu cực từ việc đồng USD ngày càng mạnh hơn và lượng hàng tồn kho dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến, theo nhận định của nhà phân tích thị trường tại ngân hàng IG, Tony Sycamore. Kết quả là giá dầu đã có sự đảo chiều so với phiên sáng nay, sau khi bị các nhà giao dịch bán tháo liên tục.

Kết quả bầu cử Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường dầu. Trong phiên giao dịch sáng nay, đã có lúc giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng, khi đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Phillip Nova, Priyanka Sachdeva, nhận định, trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Trump đã thể hiện là người ủng hộ hoạt động kinh doanh. Điều này hứa hẹn tạo ra đòn bẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tổng thể và làm tăng nhu cầu về nhiên liệu. Nhưng bất kỳ sự can thiệp nào có thể xảy ra, làm ảnh hưởng tới lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chắc chắn sẽ tạo thêm thách thức cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Chuyên gia Sachdeva cho rằng, xu hướng dầu tăng giá sẽ chỉ xuất hiện trong ngắn hạn và trung hạn. Vì Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ tăng công suất khai thác dầu từ tháng 1/2025 và xu hướng lịch sử chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt (nếu có) không thể ngăn cản Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục mua dầu từ Nga hoặc Iran.

Energy Aspect ước tính, trong trường hợp Chính phủ Mỹ quyết định áp đặt trở lại chính sách “áp lực tối đa” về các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran, sẽ có khoảng 1 triệu thùng dầu bị ngắt khỏi chuỗi cung ứng mỗi ngày.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump cũng áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với dầu của Venezuela. Các biện pháp này đã được chính phủ của Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ tạm thời, nhưng được khôi phục lại sau đó.

Theo thông báo của Cơ quan An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ, bão Rafael đã mạnh lên thành bão cấp 3 hôm 6/11, với dự kiến khoảng 17% sản lượng dầu thô, tương đương 304.418 thùng/ngày, ở khu vực Vịnh Mexico của Mỹ bị đóng cửa để ứng phó.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng hàng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng thêm 2,1 triệu thùng, lên 427,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/11, cao so với dự kiến là 1,1 triệu thùng.

Diệu Linh (TTXVN)
Kinh tế thế giới sau ngày nước Mỹ chọn Tổng thống thứ 47
Kinh tế thế giới sau ngày nước Mỹ chọn Tổng thống thứ 47

Trong lịch sử nước Mỹ, các cuộc bầu cử Tổng thống thường mang đến những điều bất ngờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN