Thăng trầm đan xen
Huawei thực sự đã “nâng tầm cuộc chơi” của họ trong năm 2018 với rất nhiều sản phẩm được giới yêu thích công nghệ ghi nhận.
Tháng 3/2018, Huawei đã công bố mẫu smartphone P20 Pro - mẫu điện thoại đầu tiên trên thế giới có ba camera ở mặt sau. Giới chuyên gia đánh giá P20 Pro có chất lượng chụp ảnh tốt ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Với thời lượng pin 4.000 mAh khá “khủng”, cấu hình RAM 6 GB cho phép chạy ứng dụng đa nhiệm, bộ nhớ trong 128 Gb và vẻ ngoài khá bắt mắt, một số người còn cho rằng P20 Pro thậm chí còn tốt hơn so với mẫu cao cấp của Samsung Electronics là Galaxy S9 ra mắt vào cùng năm.
“Bom tấn’ thứ hai của Huawei trong năm 2018 là Mate 20 Pro và mẫu smartphone này thậm chí được đánh giá còn cao hơn P20 Pro. Huawei Mate 20 Pro sở hữu ba camera thấu kính có độ phân giải ấn tượng lần lượt là 40 MP, 8 MP và 20 MP. Thời lượng pin của Mate 20 Pro cũng được nâng cấp lên 4.200 mAh. Chip xử lý Hisilicon Kirin 980 mà Huawei đã nhiều năm nghiên cứu chế tạo cũng được đánh giá là mạnh nhất trong số các chip điện thoại Android hiện tại, giúp Mate 20 Pro dễ dàng “ghi điểm” với giới yêu thích công nghệ.
Ngoài hai sản phẩm nêu trên, Huawei cũng giới thiệu ra thị trường một số mẫu smartphone được đánh giá cao khác với những mức giá hấp dẫn hơn, gồm Huawei Nova 4 với màn hình tràn viền có “nốt ruồi” camera, Honor Magic 2 với thiết kế trượt nắp bật camera và Honor Play phục vụ cho mục đích chơi game.
Những nỗ lực của Huawei trong việc phát triển cả phần cứng và phần mềm đã thực sự được đền đáp. Theo số liệu của công ty nghiên cứu IDC, Huawei đang đứng thứ 3 thị trường smartphone toàn cầu, với 206 triệu thiết bị bán ra trong năm 2018, thấp hơn khá nhiều so với con số 292,3 triệu của Samsung Electronics, nhưng không chênh lệch quá lớn so với mức 208,8 triệu thiết bị của Apple. Khoảng cách trên dự kiến sẽ thu hẹp khi doanh số của cả Samsung Electronics lẫn Apple đều giảm lần lượt là 8% và 3,2%, trong khi Huawei ghi nhận mức tăng trưởng tích cực là 33,2% vào năm 2018.
Tuy nhiên, năm 2018 không hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió” đối với Huawei.
Những trắc trở của Huawei đã bắt đầu kể từ tháng 1/2018 khi thỏa thuận giữa họ và nhà mạng AT&T của Mỹ đã thất bại, qua đó trở thành lực cản đối với kế hoạch của Huawei về mở rộng kinh doanh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn sau khi sáu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ - bao gồm cả những nhân vật từ Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Anh ninh Quốc gia (NSA) khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Huawei cũng gặp vấn đề ở Australia khi Chính phủ nước này đã cấm Huawei cung cấp cơ sở hạ tầng mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (mạng 5G) cho các nhà mạng nước này do những lo ngại về an ninh quốc gia. Nhật Bản dự kiến cũng sẽ có động thái tương tự. Nhiều quốc gia khác cũng có thể tham gia vào danh sách trên vì Mỹ đã cảnh báo các đồng minh của nước này không sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Danh tiếng của Huawei càng gặp nhiều nguy nan hơn sau vụ việc Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của Huawei vào hôm 1/12/2018 theo yêu cầu từ phía Mỹ vì nghi ngờ vị CFO trên đã lừa dối các ngân hàng quốc tế để buôn bán với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp dụng với quốc gia Hồi giáo này.
Năm 2019 có thuận lợi hơn?
Giới quan sát đang chú ý đến dòng P30 của Huawei, với mẫu Pro thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Một mẫu điện thoại gập (foldable phone) chạy trên nền tảng mạng 5G cũng dự kiến sẽ được Huawei công bố trong quý I năm nay. Ngoài ra, Huawei cũng sẽ “trình làng” nhiều thiết bị khác, bao gồm một thiết bị “kế vị” cho Mate 20 Pro.
Huawei cũng sẽ tập trung nỗ lực để trở thành một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực 5G sau khi đã đầu tư 800 triệu USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển cho công nghệ này trong năm 2018. Nhưng vấn đề là danh sách các quốc gia và nhà mạng cấm sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei dự kiến sẽ ngày càng dài hơn. Đó là lý do tại sao Huawei có thể sẽ cố gắng tìm kiếm các đối tác mới ở những khu vực như châu Âu và châu Á, nơi họ có mối quan hệ tốt hơn với các nhà mạng nội địa. "Người khổng lồ" về viễn thông củaTrung Quốc cũng có thể sẽ làm mọi thứ trong khả năng để thuyết phục các quốc gia đang ban lệnh cấm thiết bị của họ thay đổi suy nghĩ.
Điều đó nói dễ hơn làm, nhưng Huawei đã lên kế hoạch chi 2 tỷ USD trong 5 năm tới để cập nhật cơ sở hạ tầng bảo mật của mình với hy vọng sẽ thay đổi những ý kiến về mối quan hệ giữa họ với Chính phủ Trung Quốc.
Song câu hỏi lớn nhất là liệu Huawei có thể nâng doanh số bán vượt qua Samsung Electronics và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong năm 2019 hay không khi đây là mục tiêu chính của họ cho năm nay.
Giới quan sát đa số đều cho rằng điều này khó có thể xảy ra, đặc biệt là khi Huawei không dễ dàng tiếp cận được thị trường Mỹ. Ít nhất là trong năm nay, Huawei không có khả năng ký kết được một thỏa thuận với bất kỳ nhà mạng lớn nào ở Mỹ. Danh tiếng của họ đã bị “vấy bẩn” sau một loạt những cáo buộc và áp lực chính trị. Sẽ còn phải mất một thời gian tương đối dài nữa để Huawei thay đổi cách người Mỹ nhìn nhận về họ.