Đó là một trong những nội dung của Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hoàn thiện và đã có được ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định để đảm bảo trình Chính phủ quý 2/2021.
Theo bà Lê Nguyễn Việt Hà, một số nội dung cải cách được cụ thể hóa tại dự thảo Nghị định gồm: Giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường nhằm giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ kiểm tra thông quan tích hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm với hồ sơ kiểm tra hải quan; kiểm tra theo mặt hàng để giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra.
“Việc quy định này nhằm giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, an ninh Quốc gia trên cơ sở tuân thủ đúng quy định các Luật hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia”, bà Lê Nguyễn Việt Hà cho biết.
Dự thảo Nghị định lần này đã làm rõ vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan trong kiểm tra, thể hiện thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia Theo đó, các quy trình, thủ tục kiểm tra sẽ được điện tử hóa, doanh nghiệp không phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan kiểm tra như hiện nay.
Trong quá trình xây dựng Đề án, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thậm chí mời các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng nhằm đưa ra mô hình mới về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Nội dung của mô hình mới nhận được nhiều phản ánh tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, đều mong muốn sớm xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai mô hình mới này.
Trước việc nhiều doanh nghiệp lo lắng dự thảo có quy định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành để tránh chồng chéo, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Dự thảo Nghị định quy định rõ nhiệm vụ của hải quan và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu.
Theo đó, phía hải quan sẽ kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu; thực hiện chứng nhận/giám định hàng hóa khi được các bộ, ngành chỉ định; công bố danh mục các mặt hàng được chuyển đổi phương thức kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia; xây dựng, quản lý và vận hành công nghệ.
Nhiệm vụ của các bộ, ngành là xây dựng chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa; kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thuộc diện diện kiểm tra sau thông quan; thanh tra, kiểm tra về quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực được phân công; phối hợp, cung cấp thông tin, trao đổi dữ liệu với cơ quan hải quan về chất lượng hàng hóa; giao/chỉ định các cơ quan/tổ chức có đủ năng lực kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu theo quy định.
Nghiên cứu, áp dụng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra tại nguồn, thừa nhận, công nhận chất lượng của những mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.