Ông Đoàn Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 73/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 134/2017/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành thông tư này?
Ngày 7/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 73/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 134/2017/TT-BTC ngày 19/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán.
Thông tư 73/2020/TT-BTC sẽ giải quyết các vướng mắc phát sinh của Thông tư 134/2017/TT-BTC nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giao dịch chứng khoán trực tuyến, bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể là vấn đề xác thực danh tính nhà đầu tư khi đặt lệnh giao dịch trực tuyến; tích hợp giải pháp sử dụng chứng thư số, chữ ký số trên hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến và một số vấn đề kỹ thuật khác cần được điều chỉnh, hướng dẫn làm rõ để các thành viên thị trường áp dụng. Thông tư 73/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/10/2020.
Những điểm mới trong Thông tư này là gì và có ảnh hưởng như thế nào tới các thành viên thị trường, thưa ông?
Thông tư 73/2020/TT-BTC có một số điểm mới, quan trọng. Cụ thể là về xác thực đặt lệnh giao dịch trực tuyến, thông tư sửa đổi điều khoản về xác thực đặt lệnh qua internet, qua điện thoại để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến. Quy định mới cho phép nhà đầu tư chỉ phải xác thực cho mỗi lần giao dịch...
Lần giao dịch kết thúc nếu sau một khoảng thời gian mà nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện lệnh giao dịch, khoảng thời gian này do hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán tự thiết lập. Như vậy, nhà đầu tư chỉ phải xác thực một lần cho nhiều lệnh giao dịch.
Vấn đề tiếp theo là định danh thiết bị đặt lệnh, thông tư điều chỉnh để hướng dẫn cụ thể hơn nội dung này. Nội dung điều chỉnh là không quy định “cứng” là địa chỉ vật lý (MAC), mà có thể là các thông tin bất kỳ để có thể xác định được thông tin định danh thiết bị đặt lệnh. Như vậy, sẽ giúp các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến chủ động và thực hiện nội dung này được đơn giản và phù hợp với tình hình công nghệ của mình.
Về việc tích hợp giải pháp sử dụng chứng thư số, chữ ký số trên hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến, thông tư mới quy định giải pháp sử dụng chứng thư số, chữ ký số không phải chỉ được cung cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng.
Các công ty chứng khoán được lựa chọn các giải pháp của các nhà cung cấp phần mềm khác hoặc có thể tự xây dựng và trang bị giải pháp này. Quy định này giúp các công ty chứng khoán có thể chủ động lựa chọn giải pháp dịch vụ chữ ký số từ những nhà cung cấp phù hợp.
Theo ông, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thông tư là gì, đặc biệt là về vấn đề hệ thống công nghệ?
Việc triển khai Thông tư 73/2020/TT-BTC có thuận lợi do Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến giao dịch điện tử đầy đủ và đồng bộ. Các văn bản hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử; giải quyết vướng mắc, khó khăn của các đối tượng tham gia giao dịch điện tử đồng thời đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Bên cạnh đó, những tiến bộ của công nghệ giúp việc tiếp cận chữ ký số của nhà đầu tư cá nhân đã trở nên đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. So với thời gian trước, số lượng các tổ chức dịch vụ cung cấp chữ ký số công cộng ngày được tăng lên. Giải pháp về chữ ký số cũng đã được nghiên cứu phát triển, tích hợp trên các phương tiện thiết bị di động làm cho nhà đầu tư thấy thuận tiện và dễ dàng sử dụng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay để Thông tư 73/2020/TT-BTC phát huy hết hiệu quả trong quản lý và thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến trên thị trường chứng khoán chính là nhận thức và tâm lý sẵn sàng tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Chữ ký số được đánh giá là giải pháp để an toàn trong giao dịch nhưng cho đến nay vẫn chưa được coi là giải pháp lựa chọn hàng đầu của các tổ chức cá nhân khi tham gia hoạt động giao dịch trực tuyến trên thị trường chứng khoán.
Đối với các tổ chức là công ty chứng khoán là do phải đầu tư nâng cấp, cập nhật hệ thống công nghệ thông tin, cũng như cơ sở dữ liệu chính xác, phù hợp với quy mô, cơ cấu và chiến lược hoạt động kinh doanh của mình.
Đối với cá nhân nhà đầu tư thì do cách thức sử dụng chữ ký số chưa tiện dụng như các phương pháp xác thực khác. Ngoài ra, giá thành trang bị giải pháp và giá thuê bao cho nhà đầu tư là cá nhân chưa thực sự khuyến khích sử dụng.
Khi thông tư được áp dụng thì việc đảm bảo an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu sẽ như thế nào, thưa ông?
Thông tư 134/2017/TT-BTC và Thông tư 73/2020/TT-BTC quy định đồng bộ các yêu cầu về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, yêu cầu về an toàn bảo mật dữ liệu và nhân sự công nghệ thông tin đối với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến để đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trong cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Đối với nhà đầu tư tham gia giao dịch trực tuyến, thông tư có các quy định mới, cụ thể về các phương thức xác thực giao dịch để đảm bảo cho các hoạt động giao dịch điện tử trên trị trường chứng khoán được bảo mật, công bằng và minh bạch; đồng thời tăng tính thuận tiện, an toàn cho người dùng khi sử dụng các dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Xin trân trọng cảm ơn ông!.