Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cửa hàng chuyên bán hải sản tại chợ Trà Vinh cho biết, giá vọp thương phẩm tăng cao là do thị trường nội địa tiêu thụ tăng và sau Tết Nguyên đán là thời điểm cuối vụ thu hoạch loại thuỷ sản này nên sản lượng không còn nhiều. Trong khi đó, các món chế biến từ vọp được nhiều thực khách ưa chuộng.
Những năm gần đây, hơn 100 hộ dân vùng ven biển huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh phát triển thêm nghề nuôi vọp tại các bãi bùn ven sông, dưới chân rừng cho thu nhập khá cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích phát triển nghề nuôi vọp dưới chân rừng vừa bảo vệ rừng vừa có thêm nguồn thu nhập.
Ông Trần Văn Tel, khóm 1, phường 2, thị xã Duyên Hải đã nuôi vọp 3 năm nay. Vụ nuôi vọp năm 2016 - 2017, ông thu hoạch hơn 5,5 tấn vọp thương phẩm, trên diện tích 3.000m 2 đất bãi bùn ven sông, đạt tổng thu nhập hơn 140 triệu đồng.
Ông Tel cho biết, vọp là loài thủy sản sống được trong môi trường nước mặn và cả khi nước sông chuyển ngọt vào mùa mưa. Vọp rất dễ nuôi, ít dịch bệnh và sinh sản nhanh, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không cần cho ăn vì thức ăn của vọp chủ yếu là thực vật phù sa, tảo đáy, mùn bả.
Vì vậy, môi trường bãi bùn ven sông, dưới chân rừng rất thích hợp để vọp sinh trưởng. Theo kinh nghiệm của ông Tel, trước khi thả giống cần cải tạo mặt bùn, tiến hành giăng lưới mùn bao quanh với độ chôn chân lưới sâu 15cm, cao 20cm. Mật độ thả con giống bình quân 1 tấn/1.000m 2 và nên phân chia theo kích cỡ lớn - vừa - nhỏ, với tỷ lệ 32 - 40 - 50 con/kg.
Sau 12 tháng nuôi, vọp đạt kích cỡ từ 12 - 15 con/kg là thu hoạch. Do vọp được nuôi hoàn toàn tự nhiên tại các bãi bùn, không cần cho ăn thức ăn là nguồn thực phẩm sạch nên ngày càng nhiều thực khách ưa chuộng.